Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu hàng hóa năm 2024 hy vọng duy trì mức tăng trưởng 2 con số

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Nếu điều kiện thuận lợi, xuất khẩu cả năm 2024 có thể duy trì mức tăng trưởng 2 con số.

Xuất nhập khẩu khởi sắc

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với sự phục hồi dần của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 8 tháng năm 2024 khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Thông quan xuất khẩu hàng hóa tại Cảng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông quan xuất khẩu hàng hóa tại Cảng. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+

Trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa cho thấy sự phục hồi mạnh, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2024 sơ bộ đạt 37,59 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng năm 2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%).

Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn của nước ta trong 8 tháng năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.

Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch sơ bộ đạt 77,9 tỷ USD, chiếm 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 19%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 37,86 tỷ USD, tăng 2,8%; thị trường EU đạt 34,4 tỷ USD, tăng 18,5%; Hàn Quốc ước đạt 16,8 tỷ USD, tăng 8,3%; Nhật Bản ước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 5,6%.

Ở chiều người lại, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2024 sơ bộ đạt 33,06 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng năm 2024 có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 40,7%).

Chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 8 tháng năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch sơ bộ đạt 218,9 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Công Thương đánh giá, đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch sơ bộ đạt 99,29 tỷ USD, tăng tới 33,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 37,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; tiếp đến là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 36,9 tỷ USD, tăng 10,3%; khu vực thị ASEAN đạt 30,27 tỷ USD, tăng 12,5%; Nhật Bản đạt 14,37 tỷ USD, tăng 3,1%; EU đạt 10,8 tỷ USD, tăng 11,4%; Hoa Kỳ đạt 9,78 tỷ USD, tăng 6,9%.

Dồn lực về đích

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – nhận định, nền kinh tế hiện vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xung đột Nga - Ukraine và mới đây là Israel - Hamas tiếp tục leo thang, có dấu hiệu lan rộng ra các quốc gia lân cận. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn.

Vấn đề công suất dư thừa tại Trung Quốc hiện tại cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của Trung Quốc có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bến ngoài còn hạn chế. Những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Gần đây nhất, ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy lớn đối với sản xuất công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn đối diện với vấn đề cước vận tải biển tăng rất cao. Đơn cử, thời điểm tháng 5, tháng 6 chưa được coi là cao điểm, đặc biệt đối với các tuyến từ châu Á đi Hoa Kỳ và EU tuy nhiên giá cước biển vẫn tăng rất cao.

Một số nguyên nhân có thể nhắc tới là: Vấn đề xung đột tại biển Đỏ làm các doanh nghiệp vận tải thay đổi tuyến vận chuyển; một số cảng biển tại châu Á gặp tình trạng tắc nghẽn, tàu phải đợi rất lâu để khai thác như cảng Thượng Hải, đặc biệt là cảng Singapore, lượng hàng xuất khẩu tại Trung Quốc tăng vọt trong tháng 5, tháng 6 dẫn tới tình trạng thiếu booking, mất cân bằng container giữa các cảng biển châu Á.

Xuất khẩu hàng hóa năm 2024 hy vọng duy trì mức tăng trưởng 2 con số

Chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 8 tháng năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Dựa trên đánh giá bối cảnh tình hình cùng với kết quả tích cực 8 tháng đầu năm, với đà tăng trưởng như hiện nay, ông Trần Thanh Hải đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn vượt mục tiêu đề ra đầu năm là tăng trưởng xuất khẩu trên 6%. Nếu điều kiện thuận lợi, xuất khẩu cả năm hy vọng có thể duy trì mức tăng trưởng 2 con số.

Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, tham mưu các giải pháp ứng phó, cũng như thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đồng thời, đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) với đối tác thương mại còn nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Bộ triển khai đa đạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi.

Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Chú trọng công tác phát triển dịch vụ logistics; tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các đơn vị triển khai nhiệm vụ được giao tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cùng với sự đồng hành của cơ quan chức năng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều yếu tố bất định, ông Trần Thanh Hải cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, thực hiện các khuyến nghị của các cơ quan quản lý.

“Cơ hội cho các doanh nghiệp là tương đối rộng mở từ việc Việt Nam đã đàm phán thành công và trở thành thành viên của nhiều FTA mở ra những khu vực thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, việc tận dụng được cơ hội đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất phải bám sát nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, cập nhật các công nghệ mới, đẩy mạnh tự động hóa để giảm giá thành sản phẩm”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 15/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị 6 giải pháp để khắc phục hậu quả của bão, phục hồi phát triển kinh tế:

Thứ nhất, đề nghị tập trung cao độ mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả của bão và hoàn lưu bão, nhất là việc vệ sinh môi trường, thống kê thiệt hại, làm cơ sở để hỗ trợ, đền bù. Khôi phục hạ tầng giao thông, điện, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế và thương mại. Hỗ trợ ổn định cuộc sống người dân cả về lương thực, thực phẩm, chỗ ăn, chỗ ở, đi lại, tìm kiếm người mất tích và mai táng người xấu số. Ban hành các cơ chế chính sách đủ mạnh và khả thi để khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, phục hồi sản xuất và đời sống của người dân.

Thứ hai, tập trung các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kịp thời cập nhật kịch bản tăng trưởng lạm phát mới. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là một số mặt hàng có xu thế tăng giá trong thời gian sau bão như lương thực thực phẩm, vật tư nguyên liệu sửa chữa nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện kích cầu tiêu dùng để phát triển thị trường trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa trên nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Thứ tư, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh tận dụng các đơn hàng xuất khẩu sẵn có và cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm và tiêu dùng. Khai thác tối đa các thị trường truyền thống và tiếp tục khai mở thị trường mới theo đề xuất của Bộ Công Thương.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ việc giải ngân vốn FDI và thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước được khoanh/giãn/hoãn nợ, cho vay mới, giảm lãi suất, giãn/hoãn thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Thứ sáu, triển khai hiệu quả chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm, bảo đảm nâng cao đời sống của nhân dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...