Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu gạo: Chớp thời cơ nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

Sau khi một số nước ban hành sắc lệnh cấm xuất khẩu gạo, thị trường gạo thế giới có nguy cơ thiếu hụt. Cung vượt cầu khiến giá gạo tăng cao, các doanh nghiệp trong nước vì thế cũng tăng tốc đẩy mạnh xuất khẩu. Song các chuyên gia cho rằng, nếu không “ghìm cương”để xuất khẩu ở mức hợp lý, sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.

Giá tăng nhưng vẫn nhiều thách thức

Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 29/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 643 USD/tấn; gạo 25% tấm giao dịch ở mức 628 USD/tấn. Trong khi đó, giá thu mua lúa tại thị trường nội địa cũng đắt đỏ khi các loại lúa đều tăng lên mức gần 8.000 đồng/kg. Như vậy, giá gạo xuất khẩu, cũng như giá thu mua lúa của nước ta tiếp tục “neo” vùng đỉnh trong 15 năm qua và ở mức cao nhất thế giới.

Xuất khẩu gạo: Chớp thời cơ nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất thế giới.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường xuất khẩu gạo, khi một số nước như Ấn Độ, UAE, Nga thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo; cùng hiện tượng thời tiết tiêu cực của El Nino gây ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; các chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường hiện tiếp tục phản ánh khả năng nguồn cung gạo toàn cầu thâm hụt, khiến giá gạo có thể sớm quay lại đà tăng. Đặc biệt, mới đây Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo. Thông báo được Bộ Tài chính đưa ra vào ngày 25/8, có hiệu lực ngay lập tức và sẽ được áp dụng cho đến ngày 16/10 năm nay.

Mặc dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, đã và đang góp phần củng cố vị thế gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đây lại là thách thức lớn đối với ngành lúa gạo Việt Nam khi giá tăng nhanh và mạnh chỉ trong một thời gian ngắn đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không kịp “trở tay”, khi phải đẩy mạnh việc thu mua lúa nhằm đáp ứng đơn hàng đã ký kết trước đó. Trong khi đó, các đơn hàng mới cũng không thể được ký kết do giá thị trường hiện đã lên quá cao.

Việc giá gạo tăng cao đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam cả về chất và lượng, tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức do cần phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bình ổn thị trường gạo tiêu thụ nội địa.

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, gạo là mặt hàng chiến lược liên quan đến đời sống cơ bản của người dân, gắn với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nền kinh tế.

Trên thế giới, số lượng quốc gia có thể sản xuất gạo đủ đáp ứng nhu cầu của chính mình và còn xuất khẩu được thì không nhiều. Việt Nam là một trong số đó. Những quốc gia này, không chỉ có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực của đời sống người dân nước mình, mà còn giữ vai trò, trọng trách lớn hơn thế, ý nghĩa hơn thế đối với thị trường gạo toàn cầu.

TS Võ Trí Thành cũng cho rằng, câu chuyện về gạo lớn hơn là một lĩnh vực kinh doanh đơn thuần, thậm chí còn lớn hơn việc đảm bảo an ninh lương thực của một quốc gia. Bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững của rất nhiều quốc gia.

Tăng cường kiểm tra việc thi hành pháp luật về xuất khẩu gạo

Trước những biến động khó lường của thị trường gạo thế giới, xác định “trong nguy có cơ”, thực hiện những nhiệm vụ được giao tại Công điện và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân tập trung triển khai các nhóm giải pháp cụ thể.

Trước tiên, về hoàn thiện thể chế, Bộ Công Thương yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Để giá gạo Việt Nam tốt nhất trên thị trường thế giới, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc, hiệp hội và thương nhân đẩy mạnh tìm kiếm, thông tin và phát triển thị trường. Trong đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả…

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo. Bộ đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, đầu cơ trục lợi, đẩy giá gạo trong nước lên cao.

Trước sự vào cuộc tích cực, kịp thời của Bộ Công Thương trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước, TS Võ Trí Thành đánh giá, đây là một phản ứng chính sách nhanh nhạy trong điều hành của Bộ Công Thương. Việc theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, các kho để kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng lúc này là hết sức cần thiết.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, hiện các địa phương trên cả nước đang quán triệt công tác bình ổn thị trường đối với mặt hàng gạo rất chặt chẽ. Về cơ bản, giá trong nước ở thời điểm này có tăng, nhưng vẫn ổn định.

Đối với doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành cho rằng, vấn đề của thị trường gạo hiện nay là vấn đề thời điểm. Thời điểm đàm phán, thời điểm ký kết hợp đồng, thời điểm thu mua từ người nông dân… có độ vênh về giá, bởi giá gạo thay đổi từng ngày, và bên nào cũng muốn hưởng lợi lớn nhất trong kinh doanh.

“Để giải quyết bài toán đảm bảo hợp đồng mà các doanh nghiệp đang đối diện, tôi cho rằng cần tăng cường tính linh hoạt trong việc ký kết các hợp đồng, tránh để xảy ra tranh chấp, đánh mất uy tín trên thị trường. Người nông dân, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu hãy tính đến đường dài, đảm bảo thực hiện hợp đồng để giữ được thị trường trong tương lai thông qua mối liên kết dài hạn với các đối tác”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...