Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ưu đãi thuế từ EVFTA giúp nông sản Đắk Lắk gia tăng lợi thế tại EU

Những ưu đãi thuế quan từ EVFTA đã giúp hàng hóa của tỉnh Đắk Lắk cũ khai mở thị trường và gia tăng lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU

Gia tăng lợi thế cạnh tranh

Năm 2025 Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ kỷ niệm 5 năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sau 5 năm, những lợi ích mà EVFTA mang lại ngày càng rõ ràng, thiết thực cho doanh nghiệp hai bên.

Báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2025 của Eurocham cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp xác định ưu đãi thuế quan là lợi ích nổi bật của EVFTA đã tăng vọt từ 29% trong quý II/2024 lên đến 61% trong quý II/2025. Sự gia tăng này phản ánh hiệu quả của lộ trình cắt giảm thuế theo từng giai đoạn, cũng như mức độ tận dụng ngày càng cao các điều khoản ưu đãi của hiệp định.

Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho biết, tính đến nay, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam và EU đã tăng 40% để từ năm 2020. Mức tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như: điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi Hiệp định EVFTA này có hiệu lực.

Năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk cũ vào thị trường EU đạt gần 1,9 tỷ USD. Ảnh: Trung Thắng

Năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk cũ vào thị trường EU đạt gần 1,9 tỷ USD. Ảnh: Trung Thắng

Với tỉnh Đắk Lắk cũ, những ưu đãi thuế quan từ EVFTA đã và đang giúp hàng hóa của tỉnh, trong đó có hàng nông sản “mở khóa” thị trường EU.

Thống kê từ Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cũ cho thấy, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vào thị trường EU đạt gần 1,9 tỷ USD. Trong đó mặt hàng nông sản chiếm 93 -95% với các sản phẩm chủ lực là cà phê, điều, hồ tiêu, rau quả...

Ông Nguyễn Đình Viên, Giám đốc Công ty TNHH PM Coffee cho biết, tận dụng ưu đãi thuế quan và cơ hội thị trường từ EVFTA mang lại, Công ty đã tăng cường xuất khẩu mặt hàng cà phê sang thị trường EU.

Ông Viên cho rằng, những ưu đãi thuế quan từ EVFTA đã giúp doanh nghiệp khai mở thị trường và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhờ khả năng cung ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn (chất lượng, bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc…). Hiện, sản phẩm của công ty đã được phân phối ở hầu khắp các nước thành viên của EU, với sản lượng năm 2024 đạt khoảng 80.000 tấn cà phê nhân.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - từng làm Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cũ nay là Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk mới cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn quốc tế, phát triển thương hiệu sản phẩm và xúc tiến xuất khẩu có trọng tâm để tận dụng tốt hơn ưu đãi thuế từ các FTA, trong đó có EVFTA.

Về lâu dài, tỉnh sẽ xây dựng một trung tâm hỗ trợ kỹ thuật xúc tiến EVFTA để đồng hành cùng doanh nghiệp địa phương trong hành trình chinh phục thị trường châu Âu.

Tuân thủ nghiêm quy tắc xuất xứ

EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song để tận dụng tốt hơn những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này, lãnh đạo Eurocham cho rằng, việc khai thác trọn vẹn tiềm năng của EVFTA còn phụ thuộc vào nhiều nỗ lực phối hợp. Một trong những rào cản nổi bật hiện nay là vấn đề định giá hải quan: 37% doanh nghiệp tham gia khảo sát xác định là trở ngại chính.

Bên cạnh đó, những thách thức khác như hệ thống pháp lý còn chưa rõ ràng, cũng như khoảng cách trong giao tiếp với các cơ quan chính quyền địa phương, tiếp tục cản trở việc tận dụng hiệu quả các ưu đãi trong hiệp định phản ánh phần nào những bất cập đã được nêu trong tâm lý kinh doanh chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ EVFTA, các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm quy tắc xuất xứ hàng hóa. Ảnh: Ngọc Anh

Để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ EVFTA, các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm quy tắc xuất xứ hàng hóa. Ảnh: Ngọc Anh

Ông Nguyễn Thành Hưng, chuyên gia tư vấn cao cấp của Chính phủ về hội nhập quốc tế chỉ rõ, EVFTA dành mức cắt giảm thuế quan sâu và rộng cho các mặt hàng nông sản Việt Nam, nhưng để tận dụng được các ưu đãi này, doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ quy tắc xuất xứ, minh bạch hóa chuỗi cung ứng và áp dụng các tiêu chuẩn mới về lao động, môi trường và truy xuất nguồn gốc.

“Theo quy định của EU về biện pháp phi quan thuế, biện pháp kỹ thuật ví dụ như: sản xuất xanh, vệ sinh an toàn thực phẩm vấn đề đóng gói quy trình sản xuất, các vấn đề môi trường đến các quy trình về lao động đều ảnh hưởng đến việc chúng ta có thể đẩy mạnh được sản phẩm của Việt Nam vào thị trường EU hay không?

Cho nên các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng đảm bảo được các tiêu chí như các nước nhập khẩu EU quy định” - ông Hưng khuyến nghị.

Liên quan đến vấn đề xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản địa phương, các chuyên gia cũng cho rằng, với EVFTA, Liên minh châu Âu đã công nhận 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, trong đó có Cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lợi thế lớn nhưng cũng đặt ra yêu cầu bảo vệ thương hiệu nghiêm ngặt hơn để tránh bị xâm phạm tại thị trường quốc tế. Doanh nghiệp cần chủ động đăng ký nhãn hiệu, xây dựng hồ sơ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đặc biệt trong bối cảnh hàng giả dễ gây tổn hại uy tín thương hiệu Việt tại thị trường cao cấp như EU.

Bà Đào Thuý Hoàn, Giám đốc hãng luật Encolaws, đơn vị chuyên tư vấn sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp cho rằng: “Bản thân các doanh nghiệp cũng phải kiện toàn hệ thống của mình, đặc biệt là đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ trước khi ra nước ngoài. Hoặc mình được tư vấn sớm thì sẽ giảm thiểu được các chi phí không cần thiết. Ngoài ra mình tận dụng được những ngày ưu tiên sớm hơn khi đăng ký được ở thị trường Việt Nam rồi mới dùng những ngày ưu tiên đó đăng ký ra nước ngoài thì mình sẽ có những thuận lợi hơn rất nhiều”.

Với tỉnh Đắk Lắk, EVFTA không chỉ là cơ hội, mà còn là chất xúc tác để tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, minh bạch và bền vững hơn.
Về lâu dài, tỉnh sẽ xây dựng một trung tâm hỗ trợ kỹ thuật xúc tiến EVFTA để đồng hành cùng doanh nghiệp địa phương trong hành trình chinh phục thị trường châu Âu đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...