Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Ninh: 9 tháng, tăng trưởng kinh tế đạt gần 10%, xuất khẩu tăng 14,15% cùng kỳ

Kinh tế tỉnh Quảng Ninh ghi dấu ấn nổi bật, với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 9,94% trong 9 tháng đầu năm 2023.

Công nghiệp, xuất khẩu dẫn dắt

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, vượt qua những khó khăn, thách thức, tỉnh Quảng Ninh đạt được những kết quả khích lệ trên tất cả các lĩnh vực. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 9,94%, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 9,08%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,19; khu vực dịch vụ ước tăng 12,76%. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 26.460 tỷ đồng, tăng 34,8% cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 14,15% cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện đạt 40.678 tỷ đồng, bằng 75% dự toán tỉnh giao, tăng 4% cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt 28.678 tỷ đồng, tăng 3% cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Quảng Ninh: 9 tháng, tăng trưởng kinh tế đạt gần 10%, xuất khẩu tăng 14,15% cùng kỳ

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh 9 tháng đầu năm đạt gần 10%.

Thu hút đầu tư tăng 33,8% so với cùng kỳ

Trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được tập trung triển khai, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là về đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài nguyên, môi trường, đất đai, thuế, hải quan. Thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 45.372,6 tỷ đồng, tăng 5,5% so với kế hoạch, tăng 33,8% cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt được kết quả rõ nét, ước đạt 853,93 triệu USD, đạt 85,4% kế hoạch. Công tác quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy tăng cường. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả; vị thế và uy tín của Quảng Ninh được nâng cao.

Đời sống nhân dân được nâng cao

Thực hiện Chủ đề công tác năm về “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, Quảng Ninh tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp không ngừng cải thiện, thay đổi, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, từ đó, mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả phát triển. Tổng chi an sinh xã hội ước đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% cùng kỳ; số lao động được tạo việc làm tăng thêm ước đạt 19.369 người, bằng 96,85% kế hoạch; gấp 2,04 lần so với cùng kỳ.

Hiện nay, về cơ bản tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm, nhà dột nát mới phát sinh. Đây là một trong những chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của tỉnh, bảo đảm mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, thông qua vai trò của Ủy ban MTTQ các cấp, ngôi nhà đại đoàn kết của tỉnh Quảng Ninh vốn bền chặt nay bền chặt hơn. Đây cũng là kinh nghiệm để hàng năm MTTQ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, sự chủ động tích cực trong huy động sức mạnh tổng hợp và mọi nguồn lực của xã hội để cùng chung tay thực hiện các chương trình an sinh xã hội, mang lại niềm hạnh phúc cho nhân dân.

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên 11%

Trong quý IV năm 2023, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%, cả năm 2023 đạt trên 11%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh quý IV đạt 13.165 tỷ đồng, cả năm 2023 đạt 54.000 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh gắn trách nhiệm người đứng đầu và tập thể lãnh đạo tập trung chỉ đạo, đặc biệt là khâu điều hành bảo đảm sự nhất quán, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, sâu sát cụ thể; tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh; làm việc thực chất, trung thực, kết quả thực chất; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong tham mưu, đề xuất, phối hợp xử lý công việc, vượt qua những khó khăn, thách thức vào những thời điểm then chốt và trước những nhiệm vụ cấp bách khó khăn.

Căn cứ Quy chế làm việc số 02-QC/TU ngày 29/4/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến một số nội dung: Điều chỉnh, phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023; điều chỉnh, phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2023. Chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công. Điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công.

Đối với việc tuyển chọn công chức, viên chức mới, phải đúng theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đồng thời hình thành cơ chế tuyển chọn, sử dụng cán bộ theo hướng thực sự khoa học, chuẩn hóa, trẻ hóa, trí thức hóa, tuyển dụng và sử dụng nhân tài đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, mở rộng nguồn tuyển, dễ thực thi, đạt hiệu quả, kiểm soát được quyền lực, phòng chống tiêu cực trong tuyển dụng CBCCVC để nhanh chóng hình thành đội ngũ cán bộ CBCCVC trẻ, chuyên nghiệp, tận tâm tận lực, phục vụ nhân dân và sự phát triển của tỉnh.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh, các cơ quan, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã tổ chức nhiều phong trào thi đua, phần việc thiết thực, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, thúc đẩy hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và trong mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Đồng thời nhân lên niềm tự hào rất lớn trong nhân dân về sự phát triển bền vững, toàn diện của tỉnh Quảng Ninh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết