Những thay đổi về chính sách từ các thị trường nhập khẩu gỗ chính của Việt Nam
Các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam liên tiếp đưa ra các quy định mới về chính sách, gây khó khăn khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Gỗ và sản phẩm gỗ đứng thứ 6 về trị giá nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 10/2023 tăng mạnh trở lại, đạt 1,282 tỷ USD, tăng 12,9% so với tháng trước đó và tăng 15,1% so với tháng 10/2022.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 10/2023 tăng mạnh trở lại |
Tính chung, 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt 10,91 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022; đứng thứ 6 về trị giá trong số các mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Lạm phát, lãi suất đứng mở mức cao đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc là nguyên nhân chính tác động đến hoạt động xuất khẩu gỗ. Bên cạnh đó, những bất ổn chính trị tại Đông Âu và Trung Đông sẽ tiếp tục là những yếu tố chính tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023.
Bên cạnh những khó khăn do các yếu tố cầu tiêu dùng, những bất ổn địa chính trị, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ còn đối diện với những khó khăn từ sự thay đổi về chính sách từ thị trường xuất khẩu chính.
Trong Báo cáo “Việt Nam Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng năm 2023 và cập nhật thông tin những thay đổi về chính sách” do Tổ chức Forest Trends phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) và Hiệp Hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) phối hợp thức hiện và vừa công bố cho hay, với EU, thị trường này đưa ra quy định mới về việc Quy định chống suy thoái rừng (EUDR) cũng như tuân thủ trách nhiệm giải trình (Quy định 1115).
Với quy định này, việc chuẩn bị hồ sơ giải trình sẽ tạo ra nhiều thủ tục cho doanh nghiệp. Ngày 9/6/2023, EU đã đăng công báo quy định số 2023/1115 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về việc đưa vào lưu thông và xuất khẩu một số sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng, thay thế Quy định số 995/2010. Theo đó các mặt hàng phải thực hiện trách nhiệm giải trình gồm gia súc, ca cao, cà phê, cọ và dầu cọ, cao su, đỗ tương/đậu nành và gỗ.
Ngoài ra, EU cũng đưa ra quy định về giới hạn mới về formaldehyde trong sản phẩm tiêu dùng. Ủy ban châu Âu đã thông qua các biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn khỏi nguy cơ mắc bệnh ung thư bằng cách đưa ra giới hạn phát thải tối đa đối với chất gây ung thư formaldehyde trong nhiều loại sản phẩm tiêu dùng.
Các biện pháp mới được Ủy ban châu Âu thông qua vào tháng 7 đã thiết lập giới hạn phát thải tối đa đối với formaldehyde trong các sản phẩm tiêu dùng. Các quy tắc nhằm giảm tác động xấu đến sức khỏe liên quan đến việc tiếp xúc với formaldehyde. Đối với các sản phẩm và đồ nội thất bằng gỗ cũng như nội thất của phương tiện giao thông đường bộ, giới hạn liên quan trong tương lai sẽ là 0,062 mg/m3 formaldehyde trong không khí trong nhà.
Hiện, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU 27 nước (không bao gồm Anh) đạt 297,82 triệu USD, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. EU chiếm 3,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023. Những thay đổi về chính sách của thị trường nhập khẩu sẽ tác động đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với EU, thị trường Hoa Kỳ - một trong những thị trường trọng điểm của gỗ Việt Nam (chiếm 53,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023), cũng đang gia tăng tần suất các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ. Đồng thời Hoa Kỳ cũng vừa đưa ra yêu cầu về việc tuân thủ quy định về lao động và sử dụng lao động.
Tại thị trường Nhật Bản đưa ra yêu cầu các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững.
Còn tại Đức, hiện thị trường này đang áp dụng Luật nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các nhà nhập khẩu phía Đức yêu cầu nhà xuất khẩu Việt Nam cung cấp thêm các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải, các chứng chỉ amfori BSCI, SA 8000, SMETA, FSC...
Tương tự, tại thị trường Canada có xu hướng đặt ra nhiều quy định về môi trường trong chiến lược thiết kế sản phẩm, sản xuất và thị trường. Mới đây, Chính phủ Canada đã công bố Tài liệu khung về quy định đối với việc ghi nhãn và hàm lượng tái chế của sản phẩm nhựa và trách nhiệm báo cáo Cơ quan liên bang về vấn đề sản phẩm nhựa, điều này sẽ có một số tác động đối với hầu hết các nhóm hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, từ bao bì hàng tiêu dùng, cho đến các lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam.
Một số chuyển động trong quản lý lâm nghiệp của Việt Nam
Để đáp ứng các yêu cầu từ nhà nhập khẩu, hiện Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và quy định triển khai Hệ thống Bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS) nhằm cụ thể hóa các cam kết trong VPA/FLEGT (EU) và Thỏa thuận 301 (Hoa Kỳ).
Cụ thể, Nghị định số 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/9/2020 quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, gồm 4 cấu phần chính của VNTLAS: kiểm soát gỗ nhập khẩu (có hiệu lực ngay trong tháng 10/2020); hệ thống phân loại doanh nghiệp (có hiệu lực trong năm 2022); cơ chế cấp phép FLEGT và đánh giá độc lập (đều có hiệu lực vào một thời điểm trong tương lai do hai bên quyết định). Tại Quyết định số 43/QĐ-TCLN-KL (ngày 24/01/2022) của Tổng cục Lâm nghiệp ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam trong năm 2023.
Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT quy định chi tiết việc phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành vào tháng 12/2021. Hệ thống này có hiệu lực thi hành vào tháng 5/2022. Trong thời gian tới, Thông tư số 21 tiếp tục được sửa đổi bổ sung nhằm mở rộng phạm vi và đối tượng được phân loại theo cam kết triển khai hệ thống phân loại các tổ chức (OCS) của VPA/FLEGT.
Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT quy định quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản được ban hành thay thế Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT và có hiệu lực vào tháng 1/2023, tập trung cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản liên quan đến các cấu phần kiểm soát chuỗi cung ứng gỗ của VNTLAS.
Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends – nhận định, năm 2023 vẫn là năm đầy rủi ro cho ngành sản xuất xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam khi tiếp tục đón nhận các tín hiệu xấu tại các thị trường xuất khẩu trọng tâm của ngành.
Cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, xung đột địa chính trị tại dải Gaza kéo theo cuộc khủng hoảng giá năng lượng toàn cầu và lạm phát tăng nhanh tại các thị trường xuất khẩu chính, một số nhà nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam tại các thị trường chính nộp bảo lãnh phá sản... đã làm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam gặp khó khăn.
Theo TS Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, khi đã tham gia sân chơi thương mại quốc tế cần phải biết và tuân thủ các quy định của các nước thành viên, để không bị phạm. Mỗi nước đều có những quy định khác nhau, không nước nào giống nước nào. Khi muốn xuất khẩu vào thị trường nào thì phải tuân thủ các quy định của thị trường đó.
Cần xóa bỏ tư tưởng chấp nhận rủi ro khi xuất khẩu nông sản. Vì khi hàng hóa của một doanh nghiệp vi phạm quy định của nước nhập khẩu thì không chỉ doanh nghiệp đó bị thiệt hại mà các doanh nghiệp cùng ngành hàng cũng bị ảnh hưởng. Khi đó, nước nhập khẩu sẽ tăng tần suất kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, việc này ảnh hưởng rất lớn đến thời gian, uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.