Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành điều bước sang năm mới với nhiều âu lo

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc (hết tháng 1) đạt 148,9 triệu USD, chiếm 50,8% tổng kim ngạch nhóm hàng này của cả nước.

Bài toán lợi nhuận khi giá xuất khẩu giảm liên tiếp

Ngành điều kết thúc năm 2021 với 2 kỷ lục, trong đó kim ngạch đạt kỷ lục 3,64 tỷ USD và sản lượng nhân điều cũng thiết lập kỷ lục 580.000 tấn. Tuy nhiên, bước vào năm 2022, các doanh nghiệp ngành điều lại mang nhiều âu lo, nhất là về giá xuất khẩu.

Ngành điều bước sang năm mới với nhiều âu lo

Trong khi giá nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác đang có xu hướng tăng lên hoặc đứng ở mức cao trong những tháng đầu năm như hồ tiêu, cà phê, cao su… giá hạt điều xuất khẩu lại đang liên tục giảm.

Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1, cho biết, hết tháng 10 năm ngoái, giá nhân điều xuất khẩu vẫn còn cao. Hết tháng 11, giá bắt đầu đi xuống. Sang tháng 12 tiếp tục giảm và giảm liên tục cho tới tháng 2/2022.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy rõ việc giá xuất khẩu hạt điều đang giảm. Cụ thể, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tháng 1/2022 đạt trên 40.000 tấn, trị giá trên 238 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 12/2021. Trong tháng 1, giá xuất khẩu bình quân hạt điều ở mức 5.934 USD/tấn, giảm 3,6% so với tháng 12/2021.

Với việc giá nhân điều liên tục giảm từ cuối năm ngoái đến nay, ông Huyên cho rằng, tồn kho hạt điều của các nhà nhập khẩu vẫn còn khá dồi dào, thị trường nhân điều thế giới đã bão hòa. Vì vậy, giá nhân điều trong năm nay khó có thể đẩy lên được.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Long Sơn, lượng nhân điều tồn kho tại các thị trường nhập khẩu không còn nhiều. Bằng chứng là trong năm 2021, Long Sơn từng có thời gian dài phải trả chi phí khá nhiều cho lượng nhân điều tồn trong kho ở bên Mỹ vì tiêu thụ chậm, nhưng đến nay lượng tồn kho này đã được giải phóng hết và Long Sơn đang chuẩn bị phải đưa một lượng hàng mới qua Mỹ để duy trì tồn kho ở một mức độ nhất định nhằm duy trì thị phần, giữ được thương hiệu.

Về việc giá nhân điều giảm, ông Sơn cho rằng, là do các nhà nhập khẩu nhân điều thấy sản lượng điều thô trên toàn cầu đang dồi dào nên họ không mua vội vàng, mua xa như trước nữa mà chờ đợi mức giá họ cho là hợp lý.

Như vậy, xu hướng giá nhân điều thấp trong năm nay xem ra khó tránh khỏi. Vì vậy, theo ông Tạ Quang Huyên, các doanh nghiệp cần phải xây dựng giá thành sao cho nếu giá nhân điều W320 ở mức 2,8 USD/kg mà vẫn có lời. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là chỉ nên mua điều thô ở mức giá hợp lý, khoảng 1.100 USD/tấn, để đảm bảo được lợi nhuận khi bán nhân điều với giá 2,8 USD/kg.

Thị trường vẫn rộng mở ổn định 10 năm tới

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hạt điều là một trong những thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ lợi ích mang lại đối với sức khỏe con người. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm có lợi cho sức khỏe tăng mạnh. Theo một nguồn tin quốc tế, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2021-2026.

Giá hạt điều trong năm 2021 ở mức thấp, đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng trên toàn cầu. Theo CBI.EU, năm 2021 giá bán lẻ hạt điều ở châu Âu tiếp tục giảm, khiến cho nhu cầu tiêu dùng trong khu vực EU tăng lên. Trong đó, do các biện pháp giãn cách xã hội, tiêu dùng trong các phân khúc công nghiệp và dịch vụ ăn uống giảm đáng kể và có sự chuyển dịch từ ăn ở ngoài sang ăn ở nhà. Tuy nhiên, việc đóng cửa, xu hướng thực phẩm tốt cho sức khỏe và giá cả hấp dẫn đã thúc đẩy tổng lượng tiêu thụ hạt điều tại EU.

Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu hạt điều của các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nhật Bản đều tăng trưởng khả quan trong năm 2021. Trong đó, Việt Nam giữ vai trò là thị trường xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc chiếm lần lượt 88,99% và 89,12% trong 11 tháng năm 2021.

Các loại hạt đã trở thành một thành phần chính trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc kể từ khi Chính sách Y tế Quốc gia ra đời có tên là “Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc”, nhấn mạnh đến việc tiêu thụ các loại hạt hàng ngày. Nhập khẩu hạt điều tăng cũng có thể là do chiến dịch bán sản phẩm mới “các loại hạt hàng ngày”, bao gồm hạt điều, đóng gói ăn liền của các nhà sản xuất hạt điều Trung Quốc.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết, trong những năm gần đây, nhất là năm 2021, Bộ Công thương đã tiến hành nghiên cứu, rà soát về thị trường nông sản. Từ số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và đánh giá của Bộ Công thương, có 8 khu vực thị trường mà ngành điều Việt Nam cần tập trung khai thác là EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Nga và Trung Đông.

Trong đó, tại 2 thị trường có nhu cầu nhập khẩu hạt điều lớn nhất là Mỹ, EU, hạt điều Việt Nam đang chiếm thị phần lớn và giữ được đà tăng trưởng bền vững. Nhu cầu tiêu thụ hạt điều đang tăng tại 2 thị trường này nhờ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Đặc biệt, thị trường EU chiếm 40% thị phần hạt điều toàn cầu, sẽ tiếp tục xu hướng không thay đổi trong nhiều năm tới là tăng trưởng bình quân ở mức 5% do thị hiếu thích sử dụng đạm thực vật của người tiêu dùng.

Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), một mục tiêu chiến lược mà ngành điều tiếp tục theo đuổi trong năm 2022 là giữ ổn định về lượng, tăng chất và tăng giá. Kim ngạch xuất khẩu nhân điều trong năm nay phấn đấu đạt 3,8 tỷ USD theo kế hoạch mà Bộ NN-PTNT đã đề ra.


Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết