Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EU là thị trường xuất khẩu nghêu lớn nhất của Việt Nam

Sáng nay, tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics", Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021. Trong đó nổi bật là thống kê kết quả xuất nhập khẩu của những tỉnh Top đầu và các địa phương nằm ở vị trí “cuối bảng” của cả nước.

Nghêu Việt Nam gây bất ngờ tại Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022

Hội chợ triển lãm thủy sản toàn cầu 2022 diễn ra từ ngày 26 - 28/4 tại Barcelona (Tây Ban Nha) - nơi được xem là trung tâm nghề cá của EU - gian hàng trưng bày sản phẩm nghêu Việt Nam tại Hall 4B501 được thiết kế nổi bật, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nhập khẩu phân phối nghêu đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre giới thiệu sản phẩm nghêu giá trị gia tăng của doanh nghiệp với người mua hàng đến từ Italy.
Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre giới thiệu sản phẩm nghêu với người mua hàng đến từ Italy

3 doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam gồm: Công ty CP Thuỷ sản Gò Đàng (GODACO), Công ty CP Thuỷ sản Bến Tre (BESEACO), Công ty CP XNK Thuỷ sản Bến Tre (AQUATEX) có sự tham gia sâu vào các hoạt động dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam (SCBV)” giai đoạn 2018 - 2023 đã được lựa chọn để trực tiếp mang sản phẩm doanh nghiệp đến hội chợ.

Trong 2 ngày đầu tiên, gian hàng nghêu Việt Nam đã có gần 100 nhà nhập khẩu, phân phối, chủ yếu đến từ Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Mỹ, Bồ Đào Nha, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hàn Quốc, Cộng hoà Ai Cập, Israel, Séc, Đan Mạch… đến thăm.

Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nghêu năm nay hướng tới những sản phẩm nghêu thịt, nghêu trắng/nâu hấp nguyên con, sản phẩm giá trị gia tăng chế biến sẵn như nghêu hấp bơ tỏi, nghêu sốt gia vị tomyum…

Trong nỗ lực hàn gắn chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong thời kỳ Covid-19 và các khó khăn do lạm phát, giá thủy sản, thực phẩm tăng tại EU, mặt hàng thuỷ sản Việt Nam nói chung và sản phẩm nghêu MSC (nghêu có chứng nhận Marine Stewardship Council của Hội đồng Quản lý Biển) nói riêng của Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn và nhu cầu thu mua cao từ nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới.

Đặc biệt, một số nhà mua hàng EU đã chia sẻ rằng: “Chúng tôi không biết rằng các công ty GODACO, AQUATEX, BESEACO của Việt Nam có thể xuất khẩu trực tiếp được sản phẩm nghêu và thủy sản sang thị trường EU, 20 năm nay chúng tôi đều phải mua sản phẩm của các bạn qua công ty trung gian khác. Thật may mắn là hôm nay chúng tôi đã biết đến các bạn và được kết nối trực tiếp”.

Nhiều thoả thuận mua bán đã được thống nhất ngay tại gian hàng triển lãm là một tín hiệu đáng mừng để mở rộng thị trường nghêu Việt sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu do đại dịch Covid-19.

MSC - giấy thông hành cho nghêu Việt

Nhu cầu tiêu thụ nghêu của thị trường EU rất lớn, đây là một trong những nhóm thủy sản chính được kinh doanh và tiêu thụ trên thị trường EU. Đáng lưu ý, trong năm qua, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sang thị trường EU tăng mạnh 37%, đạt 87 triệu USD, chủ yếu do xuất khẩu sản phẩm nghêu tăng 42% với 78 triệu USD. Nghêu trở thành loài thủy sản có giá trị xuất khẩu lớn thứ 4 sang thị trường EU. Trong đó, xuất khẩu nghêu sang ba thị trường lớn nhất là Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha đều tăng từ 38 - 44%.

xuất khẩu nghêu
Chế biến nghêu xuất khẩu

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đánh giá, nhu cầu thị trường quốc tế về các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ gồm nghêu, sò huyết, ốc hương, trại ngọc, điệp, bào ngư, hàu… rất cao. Tuy nhiên, hiện sản lượng thu hoạch nghêu ở nước ta chưa đáp ứng đủ các đơn đặt hàng từ EU.

Nguyên nhân do, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm này tại EU chưa nhiều; sản phẩm thiếu đa dạng, và ít giá trị gia tăng; khâu quảng bá, phát triển thương hiệu, thị trường còn hạn chế. “Số các lô hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ xuất khẩu vẫn bị nước ngoài cảnh báo, trong đó, thị trường EU cảnh báo 3 lô nghêu hấp nhiễm Salmonella (năm 2021)”, ông Nguyễn Như Tiệp dẫn chứng.

Mặt khác, nghề nuôi nhuyễn thể, đặc biệt nuôi nghêu hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn lợi suy giảm, chất lượng con giống không ổn định, tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Để khai thác hiệu quả cơ hội, nhất là việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đồng thời phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2022 cao hơn năm 2021, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đề nghị các đơn vị chức năng cần nghiên cứu xây dựng các quy trình kỹ thuật nuôi nhuyễn thể nhằm nâng cao chất lượng nhuyễn thể thương phẩm. Đồng thời, chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Về phía địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và người dân tham gia nuôi trồng nhuyễn thể cần hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC…) để nâng cao giá trị sản phẩm.

Nghêu vùng ven biển 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang đang có ưu thế rất lớn về uy tín, chất lượng, và đặc biệt nghêu ở Bến Tre đã được cấp chứng nhận quốc tế MSC. Hiện nay, nghêu thịt tại các tỉnh này được đánh giá cao về hương vị, dinh dưỡng, có ruột trắng, thịt dày và là sản phẩm được yêu thích tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Theo đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, MSC có giá trị như một giấy thông hành, đảm bảo phát triển thủy sản an toàn và là thương hiệu bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Do đó, để khai thác được tiềm năng thị trường xuất khẩu, bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận người mua hiệu quả, thời gian qua, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và VCCI cùng doanh nghiệp đã truyền tải các thông điệp liên quan đến phía sau mục tiêu của phát triển thị trường ngành nghêu là phát triển vùng nguyên liệu nghêu bền vững.

“Thông qua trao đổi với khách hàng, các doanh nghiệp nhận thấy những yêu cầu rõ ràng, tính cần thiết trong việc thực hiện Chứng nhận MSC, là chứng nhận sản phẩm được khai thác từ một ngư trường bền vững, được quản lý tốt và được khai thác một cách có trách nhiệm”, đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết thêm.

Hiện, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn 70% tổng sản lượng xuất khẩu, sau đó đến Mỹ, Singapore và Nhật Bản là các quốc gia nhập khẩu lớn nhất mặt hàng nghêu Việt Nam. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn MSC đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, dễ dàng thâm nhập vào siêu thị, nhà hàng cao cấp hay xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản... Trên bao bì sản phẩm có dán nhãn Chứng nhận MSC giúp người tiêu dùng nhận biết đây là sản phẩm an toàn, có trách nhiệm về môi trường, xã hội.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhu cầu của các thị trường tăng và sản xuất nghêu, ngao ổn định là những yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ Việt Nam sang EU. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA cũng phần nào giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ Việt Nam sang EU.

Với sự nỗ lực vào cuộc của các Bộ, ngành chức năng trong việc phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng từ thị trường nhập khẩu, kỳ vọng xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới.

Nguyễn Hạnh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...