Định vị lại thị trường trà
Sự thay đổi nhân khẩu học cùng với sự gia tăng thu nhập khả dụng của tầng lớp trung lưu, được dự đoán sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ sản phẩm trà.
Mức tăng trưởng thị trường 7,4%
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn báo cáo của ResearchAndMarkets.com cho hay, quy mô thị trường trà toàn cầu dự kiến sẽ đạt 91,98 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,4% trong giai đoạn 2024 - 2030.
Thị trường chè Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về sản phẩm |
Sự thay đổi nhân khẩu học cùng với sự gia tăng thu nhập khả dụng của tầng lớp trung lưu, đặc biệt là ở các khu vực thành thị, được dự đoán sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, nhận thức ngày càng tăng về lợi ích của việc uống trà cũng đang giúp ích cho thị trường và một số nhà sản xuất định vị lại sản phẩm của họ thành thương hiệu chăm sóc sức khỏe và lối sống để tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn.
Năm 2023, trà đen chiếm thị phần lớn nhất khoảng 39%. Sản phẩm này chủ yếu được sản xuất và tiêu thụ ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka và Kenya, và dự kiến sẽ tăng đáng kể trong vài năm tới.
Trà xanh cũng được dự đoán sẽ chiếm thị phần đáng kể trong giai đoạn 2024 - 2030. Châu Á - Thái Bình Dương chiếm thị phần doanh thu lớn nhất là 35,2% vào năm 2023, nhưng Trung Đông và châu Phi được dự đoán sẽ có tốc độ CAGR nhanh nhất trong giai đoạn 2024 - 2030.
Về kênh bán hàng, phân khúc trực tuyến thông qua thương mại điện tử được dự đoán sẽ chứng kiến CAGR nhanh nhất trong giai đoạn 2024 - 2030. Người tiêu dùng ngày càng chuyển sang các nền tảng trực tuyến vì sự tiện lợi và khả năng truy cập, cho phép họ duyệt qua nhiều loại chè và thương hiệu khác nhau ngay tại nhà.
Các kênh phân phối ngoài cơ sở vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với các đại siêu thị (cửa hàng bán lẻ lớn kết hợp siêu thị và cửa hàng bách hóa) và siêu thị chiếm hơn 38% thị phần vào năm 2023, trong khi các cửa hàng tiện lợi chiếm 32% thị phần.
Đối với thị trường chiết xuất trà, theo báo cáo của Verified Market Research, quy mô thị trường chiết xuất trà được định giá ở mức 4,55 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 8,23 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 7,67%. Châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu thế giới về thị trường chiết xuất trà, cả về sản xuất và tiêu thụ, phần lớn là do văn hóa trà mạnh mẽ của khu vực và thu nhập khả dụng ngày càng tăng.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), tính đến năm 2023, châu Á chiếm 85% sản lượng trà toàn cầu; trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Sri Lanka là 3 nước sản xuất hàng đầu, chiếm tổng cộng 62% sản lượng trà thế giới. Bắc Mỹ cũng chiếm một phần đáng kể trong thị trường chiết xuất trà, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm sức khỏe, như thực phẩm và đồ uống chức năng.
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, thị trường chiết xuất trà Bắc Mỹ được định giá 785 triệu USD vào năm 2023, chiếm khoảng 27% thị phần toàn cầu. Khảo sát ngành công nghiệp hữu cơ năm 2024 của Hiệp hội Thương mại hữu cơ cho thấy doanh số bán thực phẩm và đồ uống hữu cơ tại Hoa Kỳ đạt 67,8 tỷ USD vào năm 2023, tăng 7,2% so với năm trước. Trà và các sản phẩm chiết xuất chè cho thấy mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình là 9,5%.
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo có những tín hiệu phục hồi khả quan với mức tăng trưởng ước đạt 5,5%, theo kỳ vọng của 37,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report. Khi kinh tế chung tăng trưởng ổn định, các ngành công nghiệp và lĩnh vực khác, bao gồm ngành F&B, cũng được kỳ vọng sẽ phát triển tích cực. Một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi có thể mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp F&B, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình mở rộng quy mô, cải tiến sản phẩm và tăng cường sức cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và quốc tế.
Theo khảo sát của Vietnam Report từ tháng 7 - 8/2024, có 62,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành F&B sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm nay. Điều đáng chú ý là sự lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng của thị trường F&B tăng mạnh, với tỷ lệ tăng từ 61,6% lên 87,6%. Sự lạc quan này là hoàn toàn hợp lý khi các số liệu từ Bộ Công Thương dự báo doanh thu ngành F&B sẽ tăng trưởng 10,92% vào năm 2024, đạt hơn 720.000 tỷ đồng.
Thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới
Trong vài năm trở lại đây, ngành F&B Việt Nam đã và đang đạt tới thời kỳ đỉnh cao khi có sự xuất hiện của Gen Z - nhóm được xem là người tiêu dùng chiếm ưu thế nhất trên thị trường. Gen Z (thế hệ được sinh từ năm 1997 đến năm 2012) là một thế hệ lớn lên cùng công nghệ và mạng xã hội, điều này đã hình thành nên những đặc điểm độc đáo và khác biệt so với những thế hệ trước. Được biết đến với tính cách thích tò mò và khao khát những trải nghiệm mới, Gen Z luôn đòi hỏi những điều mới mẻ, tính sáng tạo cao và sẵn sàng chi tiền cho món hàng mà mình muốn.
Chia sẻ tại một hội nghị về ngành kinh doanh ẩm thực (F&B) vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, ông Vũ Việt Anh - người sáng lập chuỗi trà sữa La Boong (thuộc Công ty TNHH La Boong Việt Nam) – cho hay, tốc độ tăng trưởng của chuỗi hiện đạt 30%/năm. Trước đây, La Boong đặt mục tiêu đạt mốc 100 cửa hàng vào cuối năm 2024 nhưng chỉ đến cuối tháng 8 vừa qua, chuỗi đã đạt được con số 121 cửa hàng trên toàn quốc.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, nếu như trước đây, người Việt thường chuộng trà Thái Nguyên với đặc trưng "tiền chát hậu ngọt" nhưng giới trẻ ngày càng chuộng trà có hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu, thoang thoảng mùi thơm của trái cây, có vị chát dịu nhẹ, ngọt hậu.
Nếu cà phê là thức uống vào buổi sáng, ít được chọn vào buổi chiều hoặc tối vì có thể gây mất ngủ. Trong khi đó, các thức uống từ trà có hàm lượng caffeine rất thấp và có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Đây cũng là lý do, trà không chỉ được tiêu thụ mạnh ở các chuỗi trà mà còn bán mạnh trong các chuỗi cà phê.
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, sản phẩm trà tiêu dùng nội địa hiện nay chủ yếu là trà xanh và các sản phẩm sản xuất từ trà Shan Tuyết rừng. Mức tiêu dùng trà trong nước tăng dần từ 40.000 tấn vào năm 2018 lên khoảng 50.000 tấn năm 2023. Giá bán các sản phẩm trà trong nước cũng đang cao hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu, bình quân khoảng 200.000 đồng/kg vào năm 2023. Thị trường nội địa đã và đang mang lại thu nhập cao cho người làm trà, nhất là các loại trà chất lượng cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định chè là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 với định hướng về diện tích khoảng 120.000 - 150.000 ha. Đối với diện tích chè Shan Tuyết cổ thụ tại các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Kạn... tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo tồn nguồn gien, tổ chức sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau 3 tháng tăng liên tiếp, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 9/2024 ước tính giảm nhẹ, đạt 15 nghìn tấn, với trị giá 26,29 triệu USD, giảm 3,6% về lượng và giảm 10,4% về trị giá so với tháng 8/2024, nhưng tăng 39,1% về lượng và tăng 39,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè ước đạt 107,80 nghìn tấn, với trị giá 188,91 triệu USD, tăng 31,9% về lượng và tăng 34,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. |