Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Y tế thông minh, bệnh nhân hưởng lợi

Hiện các bệnh viện từ Trung ương tới địa phương đã ứng dụng triển khai khám bệnh thông qua hệ thống công nghệ thông tin như “telehealth” hay “telemedicine”, được hiểu là khám chữa bệnh từ xa. Việc áp dụng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa đóng vai trò là cánh tay nối dài của hệ thống y tế, phát huy hiệu quả cao nhất việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân.

Nối gần khoảng cách y tế tuyến trên và tuyến dưới

Y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, với mong muốn đưa công nghệ tới gần y, bác sĩ, người dân. Qua đó, mở ra cơ hội cho các bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các chuyên gia đầu ngành và các y, bác sĩ tuyến dưới cũng được nâng cao tay nghề, tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa y tế các tuyến.

Y tế thông minh, bệnh nhân hưởng lợi
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình cùng các đồng nghiệp đang hỗ trợ chuyên môn điều trị một ca bệnh ung thư qua hội chẩn từ xa

Phát biểu tại Hội thảo thảo về ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức vừa qua, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Trong lĩnh vực y tế, rất nhiều ứng dụng công nghệ đã được triển khai trên thế giới. Thực tế đã cho thấy, nơi nào công nghệ thông tin phát triển, nơi đó sẽ hiện đại hơn, ưu việt hơn, thuận tiện hơn và có điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh".

Theo thứ trưởng Bộ Y tế, hơn hai năm qua, hệ thống khám, chữa bệnh ở nước ta đã ghi nhận những nỗ lực phi thường, những vất vả gian lao trong phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Trong những lúc khó khăn đó, Việt Nam đã triển khai thành công đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" và khai trương 1.000 điểm cầu trên cả nước. Đến nay, Đề án đang được các địa phương tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và lan tỏa ra khắp mọi miền Tổ quốc.

"Để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên, cùng đồng hành hỗ trợ với những người thầy thuốc chính là đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin cùng các phương tiện, máy móc, đường truyền... Chúng ta đã làm việc rất hiệu quả, tích cực như những người lính, giúp kết nối giữa các bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới và người bệnh", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay.

Đơn cử, tại Bệnh viện K, qua ứng dụng telehealth các chuyên gia của Bệnh viện đã tham gia hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị hàng trăm ca bệnh tại tuyến dưới. Trong đó có những ca bệnh được kết nối hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị bởi chuyên gia hàng đầu của thế giới. Chia sẻ với báo chí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện K chia sẻ: Từ cuối tháng 8/2020, Bệnh viện K triển khai đưa vào hoạt động hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Việc triển khai khám, chữa bệnh từ xa từ thời điểm đó là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên và có nhiều lợi ích cho người bệnh và các cơ sở y tế.

Cụ thể, việc khám chữa bệnh từ xa góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới; hạn chế người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt, một điểm nhấn trong thực hiện khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện K là đơn vị đã kết nối hệ thống telehealth với chuyên gia nước ngoài.

Điều này có nghĩa là các chuyên gia hàng đầu về ung thư của Trung tâm ung thư Curie ở Pari (Pháp), Trung tâm ung thư ở Tokyo, ở Mỹ… có thể hội chẩn trực tuyến với bác sĩ và ca bệnh ở cơ sở điều trị tuyến dưới trong hệ thống khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện K. “Như vậy, rõ ràng bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa sẽ được hưởng những phác đồ điều trị ở những nơi có nền y học phát triển” - Phó Giáo sư Phạm Văn Bình cho biết.

Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện kết nối hội chẩn từ xa hàng trăm trường hợp bệnh nhân. Đối với nhiều ca bệnh phức tạp, Ban Giám đốc Bệnh K và các chuyên gia đầu ngành cùng các y, bác sĩ tuyến dưới cùng trực tiếp hội chẩn để thống nhất đưa ra kết luận, hướng điều trị ca bệnh. Điển hình như trường hợp bệnh nhân hết sức đặc biệt, đó là trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, Bệnh viện K có tiếp nhận ca bệnh ung thư cổ tử cung đang mang thai 28 tuần.

Với mong muốn mang lại điều tốt nhất cho thai phụ ung thư này, các chuyên gia của Bệnh viện K đã quyết định hội chẩn trực tuyến qua telehealth với giáo sư hàng đầu về ung thư sản phụ khoa tại Pari và các chuyên gia sản khoa của Bệnh viện Phụ sản Trung ương để cùng trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng, qua đó đã tìm ra một phác đồ điều trị tối ưu cho người bệnh.

“Chúng tôi đã nỗ lực giữ bệnh nhân này tiếp tục cố gắng điều trị thêm 8 tuần trong bệnh viện với cách chăm sóc đầy đủ như: Nâng cao thể trạng, truyền máu,… để đạt 2 mục tiêu là giữ thai nhi đến tầm tuổi có thể phẫu thuật được và xây dựng kế hoạch khi phẫu thuật "bắt con" thì tiến hành phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung cho mẹ luôn. Và chúng tôi đã làm được điều đó với kết quả đạt được hết sức vui mừng đó là cháu bé chào đời, phát triển khỏe mạnh; người mẹ được điều trị ung thư một cách triệt để sau đó được áp dụng các phương pháp điều trị bổ trợ, sức khỏe của mẹ tiến triển tốt…

Phát huy vai trò của khám chữa bệnh từ xa

Hiện nay, hoạt động tại các bệnh viện đã dần trở lại bình thường, không phải thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên các bệnh viện vẫn phát huy vai trò của khám chữa bệnh từ xa. Theo Phó Giáo sư Phạm Văn Bình: Có thể nói, việc triển khai khám, chữa bệnh từ xa chuyên ngành ung thư nói riêng và toàn ngành Y tế nói chung có rất nhiều hiệu quả. Không chỉ trong giai đoạn phòng, chống dịch mà ngay cả hiện nay vẫn phát huy giá trị về chẩn đoán, trao đổi và chia sẻ thông tin trong điều trị cho người bệnh ở tuyến dưới, cũng như đào tạo, bổ sung kiến thức cho chính các y, bác sĩ tại đó.

Việc ứng dụng công nghệ để khám chữa bệnh từ xa càng thường quy sẽ góp phần giảm tải cho tuyến trên. Lúc đó, tuyến trên tập trung điều trị các ca bệnh khó, chuyên môn sâu còn các trung tâm ung bướu tuyến dưới hoàn toàn điều trị các trường hợp còn lại. Hiện, Bệnh viện K đã triển khai kết nối hệ thống khám, chữa bệnh từ xa với 64 điểm cầu, là các bệnh viện, trung tâm ung bướu trên cả nước. Trong suốt 2 năm qua, mối liên hệ này hết sức chặt chẽ, điều này không chỉ thể hiện trong giai đoạn dịch căng thẳng mà hiện nay việc giao ban chuyên môn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa với tuyến dưới vẫn được duy trì.

“Chúng tôi triển khai duy trì khám, chữa bệnh từ xa thông qua chương trình “tâm điểm ung thư” vào chiều các ngày thứ sáu hằng tuần. Với các chủ đề mà qua tổng hợp tuyến dưới và người dân cùng quan tâm như: Ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư cổ tử cung… hoặc các ung thư phần mềm khác” - Phó Giáo sư Phạm Văn Bình chia sẻ.

Để khám, chữa bệnh từ xa phát huy hiệu quả, theo Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện K có 3 yếu tố cần được chú trọng, trong đó, bản thân đơn vị y tế tuyến trên - tuyến cuối cũng như các bác sĩ, chuyên gia tại đây phải thường xuyên cập nhật các kiến thức mới nhất về khám, chẩn đoán, điều trị bệnh. Việc bồi dưỡng kiến thức liên tục không chỉ làm giàu thêm về kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn cho các y, bác sĩ mà còn là để tiệm cận nhanh chóng với nền y tế tiên tiến trên thế giới.

“Đồng thời, cần phải xác định khám, chữa bệnh từ xa không chỉ đơn thuần là hội chẩn ca bệnh, mà một vấn đề không kém phần quan trọng là đào tạo. Do đó, chúng ta phải giữ liên lạc liên tục và trao đổi thường xuyên với các chuyên gia nước ngoài cũng như tuyến dưới nhằm tạo nên sự gắn kết liên tục giữa các tuyến y tế trong hệ thống mạng lưới ung thư” - Phó Giáo sư Phạm Văn Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia y tế này cũng đánh giá yếu tố hạ tầng rất quan trọng, để khám, chữa bệnh từ xa thực sự phát huy ý nghĩa, tại các cơ sở y tế cần được đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ về hạ tầng, nền công nghệ, đường truyền… để bảo đảm kết nối thông tin được xuyên suốt, thuận lợi cho khám, hội chẩn từ xa./.

Bằng cách ứng dụng công nghệ, giải pháp khám chữa bệnh từ xa đã xóa đi rào cản về địa lý, tạo ra được mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, hỗ trợ chuyên môn; đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi số hóa ngành Y. Bên cạnh đó, việc mở rộng hoạt động khám, chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh toàn tuyến, hướng tới sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...