Vượt qua chính mình, nâng tầm nội lực!
Khoảng hơn 5 năm trước, dù đó là thế hệ vàng nhưng bóng đá nam Việt Nam không thể nào vượt được “bóng người Thái”. Cứ mỗi lần gặp tuyển Thái Lan mọi cấp độ, chưa đá đã biết kết quả thế nào. Nhưng hơn 4 năm lại đây, “gió đã đổi chiều”. Những bài học về bóng đá gợi mở nhiều điều trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.
Khi bóng đá Việt Nam hội nhập với bóng đá khu vực, những năm 2000 của thế kỷ trước, dù bóng đá nước nhà đã sản sinh một thế hệ rất tài năng như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Đỗ Khải, Công Minh… nhưng mỗi lần đối đầu với tuyển Thái Lan chúng ta toàn thua.
Thua - thắng là chuyện thường tình của bóng đá, nhưng khi ra sân các cầu thủ Việt Nam luôn xem tuyển Thái Lan như “ngọn núi”, chưa đá đã biết thua mới là điều đáng bàn. Đấy là chưa kể đến yếu tố thể lực. Chỉ cần đến phút thứ 60 của trận đấu, các cầu thủ đã đá như đi bộ trên sân.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, nay mọi thứ đã thay đổi. Gặp Thái Lan không còn là vấn đề với tuyển Việt Nam ở mọi cấp độ, thậm chí các đội mạnh nhất khu vực khi đá với tuyển Việt Nam giờ cũng toát mồ hôi. Chiến thuật thay đổi, tư duy thay đổi, thể hình và thể lực cũng được cải thiện một cách ngoạn mục.
Có được những điều trên, ngoài yếu tố dinh dưỡng nâng cao thể lực phải kể đến sự chuyên nghiệp hóa trong bóng đá và tìm được huấn luyện viên tài năng. Sự chuyên nghiệp hóa bắt đầu bằng việc các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá. Ngoài ra, các câu lạc bộ còn lập ra học viện “lò” đào tạo cầu thủ trẻ mà tiên phong là các câu lạc bộ: Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội (T&T), Viettel…
Và đặc biệt, với sự xuất hiện của huấn luyện viên Park Hang-seo, ông đã “thổi hồn” vào từng cầu thủ để giúp cầu thủ vượt qua chính mình, phát huy tiềm năng, tính sáng tạo để “chinh chiến” trên mọi mặt trận bóng đá tầm khu vực Đông Nam Á và châu Á mà không biết “sợ” là gì.
Từ bài học thành công của bóng đá thì hiện tại, chúng ta cũng có thể rút ra bài học trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Là một quốc gia có nguồn tài nguyên phong phú, dồi dào, nguồn lực lao động lớn (đang trong thời kỳ dân số vàng), nhưng chính nền kinh tế đất nước lại có hệ số phụ thuộc thị trường nước ngoài rất lớn (xuất khẩu, nhập nguyên phụ liệu).
Đã thế, trong cơ cấu phát triển kinh tế thời gian qua, bên cạnh yếu tố đầu tư nước ngoài, đa số dựa vào khai thác tài nguyên (đất đai, khai khoáng xuất khẩu thô), giá trị gia tăng không cao. Những doanh nghiệp có tính sáng tạo, không phụ thuộc vào giá trị do tài nguyên mang lại như các tập đoàn Viettel, FPT, Vinamikl… còn ít, trong khi trí tuệ của người Việt không thua kém bất kỳ trí tuệ của quốc gia nào trên thế giới.
Với phương châm “phát huy nội lực là yếu tố then chốt” như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, từ những gì mà bóng đá làm được, mỗi người dân chúng ta cũng phải tự vượt qua chính mình để phát huy tính sáng tạo và lòng tự tôn dân tộc. Tại sao một số nước họ nghiên cứu, sản xuất được những sản phẩm công nghệ để cả thế giới phải sử dụng góp phần đưa đất nước hưng thịnh mà người Việt chúng ta lại chưa làm được?
Cạnh đó, về yếu tố vĩ mô đã đến lúc chúng ta phải có chiến lược đầu tư cho phát triển kinh tế bài bản, tránh đầu tư manh mún gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Đồng thời, phải tạo cơ chế để nâng cao sức khỏe cho cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã dựa trên một nền hành chính công minh bạch. Vì doanh nghiệp là chủ thể cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp có mạnh, kinh tế hợp tác xã có phát triển… đất nước mới thịnh cường.
Tất nhiên, doanh nghiệp phải tiên phong trong sáng tạo, không quá dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có để khai thác… Và đặc biệt, phải tạo ra lớp cán bộ kỹ trị, có khả năng quản lý tốt (nói ngắn gọn là vừa hồng, vừa chuyên).
Xét cho cùng bóng đá hay cuộc đời và cả tầm quốc gia, một khi vượt qua được chính mình và biết phát huy sức mạnh nội lực thì chắc chắn sẽ thành công.