Vụ đường dây sản xuất sữa bột giả quy mô lớn tại TP.HCM: Bắt giữ nhiều đối tượng liên quan
Liên quan đến mạng lưới tổ chức, buôn bán thực phẩm giả là sữa bột giả nhãn hiệu nổi tiếng Ensure, Glucerna do đối tượng Vũ Thành Công (sinh năm 1988, ngụ quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) cầm đầu, Công an thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương bắt và tạm giữ nhiều đối tượng cùng tang vật có liên quan.
Ngày 30/1, Công an TP.HCM cho biết, vừa triệt phá đường dây sản xuất sữa bột giả các thương hiệu nổi tiếng quy mô lớn trên địa bàn Thành phố và tỉnh Bình Dương.
Tang vật thu giữ. Ảnh: CACC. |
Cụ thể, ngày 19/1, PC03 - Công an TP.HCM phối hợp với PC03 - Công an tỉnh Bình tiến hành kiểm tra đồng loạt tại 4 địa điểm sản xuất, buôn bán sữa giả gồm nhà xưởng tại địa chỉ số 53B/7, đường Lồ Ồ, khu phố Nội Hóa 1, phường Bình An, thành phố Dĩ An (Bình Dương); cửa hàng tại Đường L, Khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An (Bình Dương); kho hàng tại Đường 29, khu dân cư Vĩnh Phú 2, khu Phú Hội, phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An (Bình Dương) và trụ sở Công ty Đu Đủ Xanh tại đường HT35, phường Hiệp Thành, quận 12 (TP.HCM).
Tại đây lực lượng công an đã phát hiện, tạm giữ hình sự 8 đối tượng cùng tang vật vi phạm là 7.525 lon sữa bột các loại gồm 6.309 lon sữa thành phẩm nhãn hiệu Ensure, loại 850g; 204 lon sữa thành phẩm nhãn hiệu Ensure, loại 400g; 28 lon sữa thành phẩm nhãn hiệu Glucerna, loại 850g; 984 lon sữa thành phẩm nhãn hiệu Alphalipia, loại 450g.
Ngoài ra còn có số lượng lớn vỏ lon sữa bột, bao bì, tem nhãn, máy móc, thiết bị sản xuất và 1 xe ô tô màu trắng nhãn hiệu Mercedes biển kiểm soát 51L-436.29, 1 ô tô tải thùng kín màu trắng nhãn hiệu Hyunhdai biển kiểm soát 51D-630.47. Tổng trị giá tang vật, phương tiện, máy móc, thiết bị… tạm giữ tại 4 địa điểm ước tính lên tới 14,5 tỷ đồng.
Tại cơ quan công an, Vũ Thành Công khai nhận bản thân là người đứng ra thuê nhà xưởng và trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công công việc cho các cá nhân sản xuất sữa bột giả nhãn hiệu Ensure, Alpha lipid, Glucerna tại các nhà xưởng nêu trên.
Để thực hiện hành vi phạm tội, Vũ Thành Công đã thuê 6 nhân công và phân công công việc cụ thể cho từng người với mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng. Trong đó Võ Văn Tiến (sinh năm 1999, quê Bình Định) được phân công cắt và đổ sữa bột nhãn hiệu Basemilk (do Công ty CP xuất nhậu khẩu Sacofood ở ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM sản xuất), vào máy cân, sang chiết sữa bột.
Đối tượng Đặng Trần Triệu Vỹ (sinh năm 1999, ngụ quận 12) vận hành máy cân, sang chiết sữa bột vào các lon sữa nhãn hiệu Ensure, Alpha lipid, Glucerna trên lon sữa in dòng chữ “Made in Spain”, “Made in Newzeland”. Sau đó, Lê Quốc Khánh (sinh năm 1999, ngụ thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vận hành máy dập nắp lon sữa nhãn hiệu Ensure; Lưu Văn Hòa (sinh năm 1985, ngụ thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) sẽ in hạn sử dụng lên nắp lon sữa.
Máy móc dùng để sản xuất sữa giả. Ảnh: CACC. |
Tiếp đến các đối tượng Trương Nhật Duy (sinh năm 2004, ngụ, huyện Hóc Môn, TP.HCM) và Nguyễn Văn Hạnh (sinh năm 1999, ngụ thành phố Thuận An, Bình Dương) dán tem giấy nhãn hiệu Ensure, Alpha lipid, Glucerna lên nắp nhựa và đóng nắp nhựa vào các hộp sữa. Sau đó Duy và Hạnh đóng các hộp sữa vào thùng giấy màu vàng nâu, trên thùng có chữ “Ensure”, “Alpha lipid”, “Glucerna” và dán keo nắp thùng thành phẩm, mỗi thùng chứa 6 lon.
Sau khi làm thành sữa thành phẩm, Vũ Thành Công đăng tin chào bán các sản phẩm trên các trang thương mại điện tử như lazada, shopee... và giao hàng qua hệ thống giao hàng tiết kiệm. Công sản xuất và buôn bán sữa giả từ tháng 11/2023 đến nay, qua đó thu lợi bất chính khoảng 3 tỷ đồng. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, khoảng 1 tháng, Công thay đổi địa điểm hoạt động sản xuất 1 lần.
Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.