Vì sao nhiều cửa hàng xăng dầu ở Sóc Trăng, Đắk Lắk treo biển "hết xăng"?
Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, đến cuối tháng 8/2022, toàn tỉnh có 57 cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động vì nhiều lý do.
Trong khi đó, chủ các cửa hàng xăng dầu ở Đắk Lắk cho biết, nguồn cung xăng dầu mấy ngày qua khan hiếm khiến doanh nghiệp không có hàng để bán.
Chiều 31/8, ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cho biết, những ngày qua, đơn vị đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Một người dân vào đổ xăng đành ngậm ngùi quay ra khi nhân viên cửa hàng báo hết xăng (Ảnh chụp trên địa bàn xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột vào chiều 31/8). |
Đoàn kiểm tra đã ghi nhận nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn các huyện Cư Kuin, Ea H’leo, Cư M’gar, Ea Kar, TP Buôn Ma Thuột… báo hết xăng, một số cửa hàng thì hết sạch xăng chỉ còn dầu. “Chủ các cửa hàng cho biết, nguồn cung xăng dầu mấy ngày qua khan hiếm khiến doanh nghiệp không có hàng để bán”, ông Toàn cho hay.
Trước câu hỏi liệu các cửa hàng xăng dầu có “găm” hàng để chờ phiên điều chỉnh giá vào ngày 1/9, ông Toàn cho biết thêm, hiện đơn vị chưa ghi nhận trường hợp nào có dấu hiệu “găm” hàng. “Các doanh nghiệp đều cho rằng mong có hàng để bán chứ không có chuyện “găm” hàng chờ điều chỉnh giá”, ông Toàn nói.
Cũng theo ông Toàn, đơn vị liên tục kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm các quy định trong kinh doanh xăng dầu. “Trường hợp cố tình vi phạm sẽ xem xét áp dụng mức cao nhất là rút giấy phép kinh doanh xăng dầu theo quy định”, ông Toàn khẳng định.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn huyện Ea H’leo, một số cửa hàng xăng dầu từ sáng sớm nay (31/8) đã không còn hàng để bán hoặc chỉ bán nhỏ giọt. Anh Nguyễn Thanh Hoàng (trú tại thị trấn Ea Drang, huyện Ea H’leo) cho biết, sáng nay anh có việc phải đi xa nhưng khi đi đổ xăng thì hầu hết cây xăng trên địa bàn thị trấn đều báo “đã hết xăng”.
Tương tự, hơn 9h sáng nay, anh Tấn Hạnh (tài xế xe ôm công nghệ tại TP Buôn Ma Thuột) tranh thủ đi đổ đầy bình xăng để chở khách. Tuy nhiên, anh đi vài cây xăng dọc theo tuyến Tỉnh lộ 9 trên địa bàn xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột đều không đổ được vì quá đông xe máy xếp hàng chờ đến lượt. Đến cây xăng thứ tư anh cho xe vào vì thấy vắng người thì được nhân viên thông báo không bán hàng vì “đang hết xăng, chưa biết lúc nào cung cấp trở lại”.
Một cửa hàng xăng dầu Petrolimex chỉ còn bán xăng A92, trong khi xăng A95 đã hết. |
Không chỉ các cửa hàng xăng dầu tư nhân, một số cửa hàng xăng dầu của Nhà nước như Petrolimex cũng báo hết xăng A95, chỉ còn bán xăng A92. Tại cửa hàng xăng dầu số 69 trên đường vành đai tránh Tây TP Buôn Ma Thuột, một số người dân đi ô tô vào đổ xăng đều được nhân viên cho biết, xăng A95 không còn để bán, chỉ còn xăng A92 nên nhiều người đành “ngậm ngùi” đổ tạm vài trăm nghìn để tiếp tục hành trình.
Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Công Thương Sóc Trăng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 489 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có 57 cửa hàng ngưng hoạt động dài hạn do chờ chuyển nhượng, sang bán hoặc liên quan đến vi phạm pháp luật chờ xử lý và 6 cửa hàng đang sửa chữa được Sở xác nhận cho phép tạm ngưng hoạt động.
Một cây xăng ở Sóc Trăng treo biển hết xăng. |
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay không có thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, chỉ có 1 thương nhân phân phối xăng dầu và các Chi nhánh của các Công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu. Do đó, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phụ thuộc vào việc phân bổ sản lượng của các thương nhân đầu mối ngoài tỉnh.
Cả tỉnh có 4 kho xăng dầu, trong đó có 2 kho tuyến sau đang hoạt động với tổng dung tích là 1.780 m3 (kho của Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Cửu Long tại Sóc Trăng có dung tích 1.200 m3 và kho của Chi nhánh Công ty CP Dầu khí Mêkong tại Sóc Trăng có dung tích 580m3), còn lại 1 kho tạm ngưng hoạt động và 1 kho chưa đi vào hoạt động do liên quan đến pháp luật.
Hiện, nhu cầu sử dụng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đang tăng do doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, người dân vào vụ mùa thu hoạch lúa, nuôi trồng thủy sản, các công trình xây dựng, giao thông đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đặc biệt là sắp vào các dịp lễ 2/9, Tết Trung thu… nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao.
Cũng theo Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, đến ngày 29/8 có khoảng 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu treo biển hết xăng dầu, gây tình trạng hết xăng dầu cục bộ. Nguyên nhân do các cửa hàng không nhập được hàng, nguồn cung từ các thương nhân phân phối hạn chế. Các cửa hàng này chủ yếu thuộc hệ thống đại lý hoặc nhượng quyền bán lẻ của một số công ty như Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Cửu Long, Công ty CP Dầu khí Mêkong, Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu Sóc Trăng…
Người dân mang can đi mua xăng dầu ở Sóc Trăng. |
Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết sản lượng cung ứng cho thị trường trong tháng tăng hơn so với tháng trước và quý trước. Tuy nhiên, hiện nay các Chi nhánh được Công ty chủ quản phân bổ sản lượng theo mức tiêu thụ kỳ trước đó. Riêng Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Cửu Long tại Sóc Trăng được công ty mẹ phân bổ sản lượng theo ngày, thì lượng hàng tại một số doanh nghiệp không đủ cung cho nhu cầu của đại lý và các thương nhân nhượng quyền bán lẻ. Lượng xăng dầu hiện có tại các kho đang hoạt động cũng không còn nhiều.
Còn tại Công ty xăng dầu Tây Nam Bộ, chi nhánh xăng dầu Sóc Trăng, hiện nay lượng xăng dầu tồn kho khoảng 1.400 m3. Các cửa hàng trực thuộc hệ thống và các thương nhân nhượng quyền bán lẻ của Petrolimex chi nhánh Sóc Trăng đủ hàng bán, không cửa hàng nào đóng cửa. Sản lượng bán hàng tại cửa hàng bán lẻ của chi nhánh tăng gấp đôi. Chi nhánh cam kết sắp tới vẫn tiếp tục đảm bảo nguồn cung cho hệ thống phân phối.
Theo nhận định của Sở Công thương, việc hết xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là do một số đầu mối kinh doanh xăng dầu phân bổ sản lượng, lượng hàng không đảm bảo nhu cầu cho các chi nhánh trên địa bàn tỉnh. Từ thực trạng đó, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đầu mối kinh doanh xăng dầu như: Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Cửu Long, Công ty CP Dầu khí Mêkong, Công ty dầu khí Nam Sông Hậu… tăng sản lượng phân bổ cho thị trường Sóc Trăng để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hùng Em, Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng, cho biết ngày 30/8, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, ghi nhận có 31 cửa hàng đang hết xăng dầu do đã đặt hàng nhưng doanh nghiệp đầu mối chưa chuyển hàng về kịp. Các Đội Quản lý thị trường đã lập biên bản làm việc ghi nhận, tiếp tục thực hiện giám sát, nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý ngay.