A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Vụ việc Công ty An Đông và nhiều vụ việc khác được xã hội quan tâm

Vụ việc Công ty An Đông cùng các vụ việc khác liên quan thị trường trái phiếu được người dân quan tâm. UB Kinh tế của Quốc hội nêu khi nói về các giải pháp.

Tiếp tục chương trình Phiên họp 16, sáng ngày 11/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023…

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011- 2022, nhất là Quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói gì về Công ty An Đông?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đồng Việt Nam được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.

Các lĩnh vực của đời sống xã hội tiếp tục phát triển toàn diện hơn. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, thực hiện tốt các cam kết COP26…

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP ước khoảng 8%; CPI khoảng 4%.

Đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo; đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng nhiều biến động

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề sau: Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (Quý III/2021 GDP giảm hơn 6%). Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn so với mục tiêu (ước tăng 4,7-5,2%, mục tiêu là 5,5%) mặc dù tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2%.

Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Việc “phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên” không thực hiện được, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước còn chưa sát, số tăng thu dự kiến lớn (ước vượt 14,3% dự toán), vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương chưa được bảo đảm. Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 năm không đạt dự toán, số thu thực tế rất thấp so với dự toán năm 2022, chỉ đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, giảm 37,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu giảm trong những tháng sắp tới - không giống xu thế thông thường cũng là vấn đề cần quan tâm làm rõ.

Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2022 chỉ đạt 46,7%, riêng vốn ODA chỉ đạt khoảng 15%. Có tới 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Mặc dù giải ngân thực hiện FDI rất tích cực dự kiến cả năm đạt khoảng 21-22 tỷ USD nhưng thu hút FDI 9 tháng giảm 15,3% so với cùng kỳ, nhất là vốn đăng ký cấp mới chỉ bằng 57%, chưa tận dụng hiệu quả các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư.

Việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ tiếp tục được triển khai theo các Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2021-2025 nhưng kết quả chưa rõ nét, mới chỉ dừng ở phê duyệt phương án, triển khai thực hiện còn chậm, chưa đi vào thực chất.

Mặc dù doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại trong 9 tháng năm 2022 tăng cao (38,6% so với cùng kỳ năm 2021), nhưng những doanh nghiệp mới chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế, trong khi đó doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, 9 tháng năm 2022 bình quân mỗi tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8,5 nghìn doanh nghiệp) và năm 2021 (gần 10 nghìn doanh nghiệp).

Tiến độ công tác quy hoạch tuy đã được đẩy nhanh nhưng việc triển khai quy hoạch, nhất là công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 vẫn rất chậm; sự phối hợp của các cơ quan trong triển khai còn hạn chế, chưa đạt kết quả như mong muốn. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, chưa phân bổ hết chỉ tiêu đất phát triển công nghiệp cho các địa phương, nhất là một số địa phương có điều kiện thu hút đầu tư, đón dòng dịch chuyển vốn đầu tư (Hải Dương, Bình Phước, Phú Thọ, Tiền Giang…).

Mặt khác, đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD, nhất là tới tiềm lực dự trữ ngoại hối và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác.

Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ nguyên nhân của nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng gia tăng; đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,7%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,41%.

Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Kết thúc phiên ngày 7/10/2022, chứng khoán Việt Nam đã giảm 484 điểm, tương ứng 31,8% từ đỉnh (ngày 6/1/2022), là thị trường có mức giảm mạnh nhất thế giới.

VN-Index hiện đang ở mức thấp nhất kể từ phiên ngày 10/12/2020; HNX-Index và UPCoM-Index cũng đang ghi nhận mức điểm thấp nhất trong gần hai năm trở lại đây. "Vụ việc xảy ra tại Công ty An Đông cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu đã xảy ra trong năm đang được xã hội, người dân rất quan tâm" - ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng “đẩy giá” gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết