Tránh lừa đảo bằng công nghệ cao: Nghe khuyến cáo để tự bảo vệ mình
Tội phạm công nghệ cao len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm, từ thành thị tới nông thôn, không ít người dân đã bị lừa đảo bởi những chiêu trò thủ đoạn tinh vi. Theo cơ quan Công an, đây là loại tội phạm “phi truyền thống”, có tính tự động hóa và chuyên nghiệp cao, dễ dàng xóa bỏ dữ liệu điện tử, dấu vết phạm tội, khiến việc điều tra, xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức…
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn ra trên phạm vi cả nước, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn, số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và khiến người dân bức xúc, lo lắng. Thậm chí, dù đã có nhiều cảnh báo nhưng một số người vẫn thường xuyên bị gọi điện làm phiền. Trong đó, nội dung cuộc điện thoại thường là thông báo đang có đơn kiện gửi tòa án, vì liên quan đến một vụ buôn bán ma túy, hoặc một vụ án mà "tòa án đang điều tra".
Cơ quan Công an đã chỉ ra rất nhiều thủ đoạn, nhưng vẫn có nạn nhân“mắc bẫy” tội phạm lừa đảo công nghệ cao. Ảnh minh họa: CAHN |
Điển hình như mới đây, Công an phường Sài Đồng, quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của chị V (trú tại quận Long Biên) về việc bị một đối tượng giả danh là cán bộ Chi cục Thuế gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chị V có công ty hiện đang sản xuất, kinh doanh và chưa quyết toán thuế doanh nghiệp. Đối tượng nắm bắt được thông tin này, nên đã nhắn tin qua Zalo với chị V và tự xưng là cán bộ thuế liên hệ giúp chị giải quyết các thủ tục liên quan. Thấy đối tượng để hình nền Zalo là biểu tượng của Cục thuế và đăng bài liên quan đến hoạt động thuế, nên chị V cứ nghĩ là cán bộ thật. Sau đó, đối tượng có gửi một đường link và hướng dẫn chị V truy cập để cài đặt phần mềm nộp thuế. Khi truy cập vào đường link để cài đặt phần mềm, chị V phát hiện điện thoại thông minh của mình bỗng bị tối đen, không thao tác được. Nghi ngờ, chị ra ngân hàng rút tiền, thì số dư tài khoản chỉ còn không đồng. Toàn bộ số tiền 433 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị đã bị mất. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa đảo và đến cơ quan Công an trình báo...
Từ vụ việc đáng tiếc trên, để không trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo bằng công nghệ cao, cơ quan Công an khuyến cáo người dân không chuyển tiền cho bất kỳ ai khi chỉ tiếp xúc qua các ứng dụng như Messenger, Telegram, Zalo, mạng xã hội Facebook... mà mình chưa biết rõ. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP và thông tin về tài khoản Internet Banking cho bất kỳ ai. Khi người quen, người thân hỏi mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền, phải gọi điện vào số điện thoại của người đó để xác nhận đúng người thân, người quen của mình hay không.
Theo các chuyên gia, hình thức lừa đảo nổi bật nhất là qua thông tin tuyển dụng lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”, đặc biệt khi các đối tượng lừa đảo chuyển dịch “địa bàn” hoạt động từ Zalo sang Telegram. Với mạng Telegram, chúng có thể dễ dàng lập các group có số lượng người đông, không bị giới hạn trong nhóm nhỏ, không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý tại Việt Nam. Với thiết kế của Telegram, khi bị phát hiện, các đối tượng có thể nhanh chóng thu hồi các tin nhắn, hình ảnh, xoá group để không bị truy dấu vết.
Đề cập nội dung này, Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng, Phó trưởng Công an phường Phương Mai, quận Đống Đa cho biết, trong nhiều trường hợp lừa đảo trực tuyến, cơ hội lấy lại số tiền đã mất là rất khó. Các đối tượng thường dụ dỗ bị hại tham gia hợp tác với các trang web thương mại điện tử (do các đối tượng tạo ra có giao diện giống với các trang web thương mại điện tử đang hoạt động hợp pháp). Sau khi bị hại thực hiện các nhiệm vụ với giá trị đơn hàng lớn, thì các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền này. Số tài khoản ngân hàng mà bị hại chuyển tiền đến thường là các số tài khoản đối tượng lừa đảo mua, thuê lại gây khó khăn cho công tác điều tra.
Thực tế hiện nay cho thấy, việc điều tra, xử lý các vụ lừa đảo qua mạng hiện gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng hoạt động tinh vi, lợi dụng khoa học công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội, phần lớn máy chủ thực hiện lừa đảo đều đặt ở nước ngoài. Trong khi đó, bị hại thường trình báo với cơ quan Công an rất trễ. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ của cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ… đó là một trong những nguyên nhân khiến các vụ lừa đảo bằng hình thức công nghệ cao thường khó truy vết.
Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, theo Công an thành phố Hà Nội, trước hết, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; trong đó tăng cường đối với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử; làm tốt công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh bẫy lừa đảo của các đối tượng.
Ngoài ra, người dân cần tự bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình. Đồng thời, chủ động trình báo cơ quan Công an ngay khi có dấu hiệu bị lừa đảo...