A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiết bị kích giun đất tràn lan trên “chợ mạng”

Bất chấp khuyến cáo từ các cấp chính quyền địa phương, thiết bị kích giun đất (máy bắt giun đất) vẫn được rao bán tràn lan trên “chợ mạng”.

Thời gian qua, hành vi kích điện bắt giun đất diễn ra rầm rộ tại nhiều địa phương và đã trở thành vấn nạn khiến nhiều chủ vườn bất an. Nhiều địa phương đã lên tiếng cảnh báo, ngăn chặn hành vi này. Trong khi đó, trên “chợ mạng” thiết bị kích giun đất đang được mua bán rất công khai. Chỉ cần lên mạng xã hội hay google gõ từ khóa “máy kích giun đất” có thể cho ra hàng nghìn kết quả. Ở đó, người có nhu cầu mua máy kích điện giun đất có thể lựa chọn các loại máy, với các mức giá khác nhau.

Thiết bị kích giun đất tràn lan trên “chợ mạng”

Thiết bị kích giun đất rao bán tràn lan trên “chợ mạng”. Ảnh: Khôi Nguyên

Theo khảo sát, các sản phẩm máy kích giun đất có giá từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng, tùy chất lượng linh kiện, công suất và diện tích đánh bắt. Một số mẫu mã thậm chí còn có màn hình hiển thị thông số và điều khiển từ xa. Ngoài ra, máy kích giun đất theo quảng cáo cũng có thể “tự chế” được, nên nhiều người có thể mua linh kiện về để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn thiện.

Một người bán nhiều sản phẩm thiết bị kích giun đất trên “chợ mạng” quảng cáo: “Mỗi ngày bên em bán được 5-10 bộ kích giun đất, có ngày cao điểm bán hơn 20 bộ. Bây giờ anh muốn mua bao nhiêu bộ cũng có, máy này làm cũng đơn giản nên bọn em rất sẵn”.

Theo giới thiệu, các mẫu máy kích thường có cấu tạo gồm một bộ tăng áp dòng điện, hai cực bằng cọc kim loại có phần tay cầm bọc nhựa để cách điện, bình ắc-quy hoặc pin. Người sử dụng sẽ cắm hai đầu kim loại xuống đất với phạm vi khoảng một mét vuông ở những nơi đất tơi xốp hoặc có dấu hiệu của phân giun đất. Khi bật công tắc, giun trong phạm vi này sẽ trồi lên. Tùy công suất, diện tích kích giun và số điện cực cắm xuống đất cũng nhiều hơn.

Sau nhiều lần dò hỏi, một người bán hàng trên “chợ mạng” cũng tiết lộ, các thiết bị kích giun đất hầu hết có xuất xứ Trung Quốc. “Máy này là hàng Trung Quốc, nhưng anh dùng thoải mái không hỏng đâu. Bên em bán hàng chục bộ mỗi ngày, anh cứ yên tâm”- chủ cửa hàng online thuyết phục.

Chia sẻ với phóng viên, anh Vũ Hải Đường, một kỹ sư điện cho biết, máy kích giun có cơ chế hoạt động tương tự máy kích cá nhưng thời gian hoạt động liên tục hơn, cường độ dòng điện phóng ra đều và thấp hơn. Ví dụ, với một mẫu máy giá 750.000 đồng, bên trong sẽ có hệ thống gồm các sò công suất để khuếch đại năng lượng, biến áp và tụ phóng dùng để nâng dòng điện từ 12V lên hàng nghìn vôn, rơ-le tự ngắt khi quá nguồn cùng một số linh kiện khác.

Theo anh Đường, khi hoạt động, máy phát ra tiếng kêu nhỏ và liên tục thay vì thời gian ngắn như máy kích cá. Phần điện cực phát ra xung điện đủ lớn khiến các sinh vật ở dưới đất khó chịu phải chui lên, trong đó có giun đất. Các thiết bị loại này hầu hết có xuất xứ từ nước ngoài.

Trước tình trạng quảng cáo, rao bán tràn lan thiết bị kích giun đất đã tiếp tay cho hành vi “tận thu” giun đất, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên đất... người dân cần phải ý thức không “chạy” theo cái lợi trước mắt, đi mua thiết bị và tham gia việc kích giun đất. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra những biện pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng trên, cùng với đó có chế tài xử lý đối với hành vi buôn bán thiết bị điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng trôi nổi trên “chợ mạng”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết