A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường lao động: Bao giờ đến hồi “thái lai”? Bài 2: Hướng tới thị trường lao động ổn định, bền vững

Tuy đã có tín hiệu tích cực nhưng giới chuyên gia nhận định: Thị trường lao động năm 2024 vẫn còn những bất ổn bởi nguyên nhân nội tại cũng như khách quan.

Còn những bất ổn

Nhìn lại những tháng cuối năm 2023 – thời điểm này, tình trạng lao động giãn việc, thôi việc, mất việc trong cả nước giảm mạnh, giúp thị trường lao động có tiến triển nhất định.

Thị trường lao động: Bao giờ đến hồi “thái lai”? Bài 2: Hướng tới thị trường lao động ổn định, bền vững
Từ những tháng cuối năm 2023, thị trường lao động đã có tín hiệu tích cực

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá, tuy số lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa thực sự cải thiện về chất. Minh chứng là số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định chiếm số lượng lớn; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ thấp.

Báo cáo về tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến hết năm 2023, cả nước vẫn còn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Số lao động phi chính thức trên cả nước là 33,3 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức 64,9%, giảm 0,9 điểm phần trăm, giảm thấp hơn 1,8 điểm phần trăm so với năm 2022 (0,9 so với 2,7 điểm phần trăm).

So sánh các năm từ 2020 đến nay (trừ năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19), sự chuyển dịch cơ cấu ngành giữa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ chậm lại. Nếu các năm 2020 và 2022, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp giảm lần lượt là 1,0 điểm phần trăm và 1,6 điểm phần trăm, tăng lên tương ứng ở hai khu vực còn lại (khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,5 điểm phần trăm và tăng 0,3 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 0,5 điểm phần trăm và tăng 1,2 điểm phần trăm) thì đến năm 2023 tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ giảm 0,6 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,1 điểm phần trăm; dịch vụ tăng 0,6 điểm phần trăm.

Đáng nói, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (năm 2023 là 7,63%); trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị 10,20%, cao hơn 3,91 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Cũng trong báo cáo mới nhất về tình hình lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra một số thách thức của thị trường lao động thành phố, đó là: Vẫn có nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm nhưng nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo ý muốn; lao động khu vực phi chính thức ngày càng cao; nhân lực phân bố không đồng đều giữa các khu vực, ngành kinh tế, làm mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm; tình hình vi phạm pháp luật lao động còn nhiều; công tác dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, giao dịch việc làm chưa hiệu quả.

Ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, những con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Do đó, việc xây dựng các chính sách và chương trình đào tạo cụ thể là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới.

Chờ cú huých từ thể chế

Bước sang những tháng đầu năm 2024, thị trường lao động có tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng mới nên việc kinh doanh được mở rộng; các dự án trọng điểm cũng bắt đầu đi vào hoạt động, nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, thách thức nổi cộm nhất là việc mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ tiếp tục diễn ra khiến nơi cần không có, nơi có không cần, giảm động lực phát triển kinh tế địa phương, không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp; mất sức hút đầu tư, thậm chí làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trước thực trạng nêu trên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, trong năm 2024, các đơn vị chức năng cần tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách về thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, việc làm, quản lý lao động, hơn hết là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh và phát hiện những nội dung mới, làm cơ sở để hoàn thiện công tác quản lý nhà nước.

Đặc biệt, tập trung hơn nữa trong việc xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực; hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ; bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ.

Cùng với các giải pháp trước mắt Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra, doanh nghiệp và người lao động cũng kỳ vọng vào Nghị quyết số 06/NQ-CP nhằm đưa thị trường lao động hoạt động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững hơn. Đặc biệt theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng về phát triển thị trường lao động. Nghị quyết đã đưa ra một tầm nhìn dài hạn để hoạch định các chính sách xây dựng phát triển thị trường lao động ổn định, bền vững.

Để phát triển thị trường lao động Việt Nam hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã định hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động cả về quy mô, chất lượng lao động và cơ cấu ngành, nghề. Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định đột phá chiến lược liên quan đến thị trường lao động, đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Báo cáo Chính trị Đại hội XIII khẳng định: “Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế thị trường lao động nhằm tạo hành lang pháp lý, bảo đảm bình đẳng hài hòa lợi ích giữa người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích chung.

Từ yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, trong bài viết “Phát triển thị trường lao động Việt Nam hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế”, TS. Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã đưa một số giải pháp để thực hiện mục tiêu.

TS. Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế; hoàn thiện chính sách theo hướng giải phóng triệt để sức sản xuất và sức lao động, phát huy cao nhất đóng góp của người lao động có kỹ năng cho tăng trưởng, phát triển kinh tế, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao.

Có chính sách khuyến khích hình thành và phát triển nhanh thị trường lao động trình độ cao, tạo môi trường cho lao động chất lượng cao tự do di chuyển giữa các ngành, vùng, lĩnh vực nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế tri thức, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu và phân công lao động quốc tế.

Phát triển đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp với các mô hình đa dạng, hiệu quả; chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm; đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng của thị trường lao động hiện đại, áp dụng công nghệ cao…

Nghị quyết số 06/NQ-CP đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết