Tăng cường trao đổi thông tin về xử lý vi phạm giao thông
Để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm quy định về an toàn giao thông, đặc biệt là đối tượng học sinh, thanh niên, thời gian qua, các lực lượng trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai thực hiện kết hợp nhiều giải pháp, bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực.
Chú trọng ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm
Từ đầu năm đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã quán triệt, chỉ đạo các đơn vị triển khai, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kế hoạch, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nói chung và công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) nói riêng... nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, đặc biệt là với đối tượng học sinh, thanh niên.
Học sinh trường THCS Việt Nam - Angiêri không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông (Ảnh chụp sáng 23/11) |
Đơn cử, tại quận Thanh Xuân, từ ngày 1/10, Công an quận Thanh Xuân đã triển khai các đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn quận; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục các quy định của pháp luật về TTATGT cho lứa tuổi học sinh.
Ngay khi triển khai ra quân, Công an quận đã chỉ đạo gần 10 tổ công tác với hàng chục cán bộ, chiến sĩ tuần tra, tổ chức chốt kiểm soát tại khu vực các cổng trường học, tuyến đường giao thông quan trọng và các ngã ba, ngã tư để nhanh chóng, kịp thời xử lý nghiêm tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông hoặc điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi theo luật.
Sau 45 ngày ra quân, lực lượng Công an quận Thanh Xuân đã lập biên bản xử lý 167 trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông, phạt tổng số tiền hơn 52 triệu đồng. Tất cả các trường hợp học sinh bị lập biên bản xử lý đều được thông báo về nhà trường và gia đình để có biện pháp giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Đối với trường hợp học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, đều phải có bố mẹ tới cơ quan Công an để phối hợp giải quyết, qua đó, tuyên truyền đối với chính gia đình các em để không xảy ra tình trạng này tái diễn.
Theo Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an quận Thanh Xuân, trong quá trình thực thi nhiệm vụ và xử lý các trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông, lực lượng Công an quận nhận thấy nguyên nhân một phần do ý thức của các cháu chưa tốt, chưa nghiêm túc chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; chưa ý thức được những nguy hiểm tiềm tàng có thể dẫn tới tai nạn giao thông khi điều khiển phương tiện phân khối lớn hoặc chưa đủ tuổi để được phép điều khiển xe máy.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của gia đình, nhà trường bởi nếu bố mẹ, gia đình nghiêm khắc trong giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và không giao xe máy cho con sử dụng thì sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, hậu quả.
Cùng với đó, tại các trường học, nhà trường không tổ chức trông phương tiện là xe máy, xe mô tô… cho học sinh điều khiển xe nhưng không đội mũ bảo hiểm thì các cháu cũng khó có thể vi phạm. Tổng hợp các nguyên nhân, đại diện Công an quận Thanh Xuân đánh giá việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường là một trong những điều kiện tiên quyết, quan trọng, quyết định để ngăn chặn hiệu quả đối với tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về giao thông.
Giải pháp cụ thể, hành động quyết liệt
Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý, lực lượng chức năng Công an thành phố Hà Nội cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền. Trong 10 tháng của năm 2024, đơn vị đã tuyên truyền trên cụm loa tuyên truyền tại 61 vị trí, nút giao trọng điểm; tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô tuần tra có gắn loa; phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền trên hệ thống loa tại các khu dân cư; cung cấp 6.674 tin cho báo, đài, xây dựng 1.066 phóng sự, 2.307 bài viết tuyên truyền; tuyên truyền trực tiếp 688 buổi với 438.924 lượt người tham dự.
Lực lượng CSGT thành phố Hà Nội xử lý vi phạm giao thông |
Đồng thời, các đơn vị, lực lượng của Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền tại 1.362 trường; xây dựng, duy trì thực hiện 698 mô hình “Cổng trường an toàn văn minh”.
Trên cơ sở đánh giá thực tế, lực lượng của Công an thành phố Hà Nội đã đề ra nhiều biện pháp, giải pháp trọng tâm cần thực hiện thời gian tới. Trong đó, các đơn vị tập trung tiến hành điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông, đánh giá cụ thể nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, lỗi vi phạm, các yếu tố về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông, an toàn kĩ thuật của phương tiện, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông…
Từ đó, cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết đồng thời tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, kịp thời nắm bắt tình hình để triển khai các biện pháp phù hợp.
Theo đánh giá của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, tại Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả triển khai các biện pháp, giải pháp kiềm chế TNGT trong 10 tháng đầu năm 2024 mới đây, tình hình TNGT trên địa bàn thành phố Hà Nội 10 tháng đầu năm 2024 mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky đề nghị các đồng chí chỉ huy thuộc Phòng CSGT, Công an các quận, huyện, thị xã khẩn trương xem xét những tồn tại, hạn chế, nhận diện rõ nguyên nhân, xác định và đề ra giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình đơn vị, địa phương mình; tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần nỗ lực phải lớn, quyết tâm phải cao, hành động phải quyết liệt để đạt được mục tiêu kéo giảm TNGT, bảo đảm môi trường giao thông văn minh, an toàn cho Nhân dân.