Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch

Để phục vụ nhu cầu của người dân và hình thành nét đẹp văn hóa truyền thống dịp đầu năm, hiện nhiều di tích lịch sử trên địa bàn Thủ đô đã được mở cửa trở lại. Theo ghi nhận, công tác phòng chống dịch được Ban Quản lý các di tích và du khách thực hiện nghiêm túc, đảm bảo.

Không khí xuân rộn ràng

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thiên nhiên như đang thay màu áo mới, tô điểm rạng rỡ thêm cho vẻ đẹp trầm lắng của các công trình kiến trúc cổ kính nơi đây. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện không còn cảnh phải chen chúc hay xếp hàng đợi tới lượt mua vé tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám như trước đây. Công tác phòng, chống dịch cũng được đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt. Ngay từ cổng vào, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã bố trí đầy đủ máy đo thân nhiệt, sát khuẩn tự động, khu vực niêm yết mã QR, bàn khai báo giấy phục vụ người dân và du khách khai báo y tế trước khi vào tham quan di tích.

Phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch
Du khách đảm bảo các quy định phòng chống dịch khi đi chiêm bái tại chùa Hương. Ảnh: Thúy Hà

Theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa đón khách tham quan theo các cấp độ dịch; thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn các khu vực của di tích, chuẩn bị các trang thiết bị, điều kiện đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân viên, người lao động và khách tham quan.

“Trung tâm cũng bố trí cán bộ nhắc nhở người dân và du khách xếp hàng giãn cách, tuân thủ khoảng cách tại khu mua vé, cổng soát vé. Bảng khuyến cáo tuân thủ “5K” được đặt tại nhiều địa điểm trong khuôn viên di tích”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết.

Không khí du xuân, vãn cảnh, xin chữ đầu Xuân đã thay thế cho sự vắng lặng, im lìm của nhiều ngày đóng cửa. Bạn Nguyễn Minh Hồng Anh, sinh viên năm nhất trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: “Thời gian này, khi đến với di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, em được vãn cảnh di tích vào Xuân, xin chữ may mắn đầu năm, tham gia tìm hiểu, trải nghiệm in tranh chữ Hán cổ bằng phương pháp truyền thống... Em luôn đảm bảo đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người để giữ gìn cho mình và mọi người”.

Còn tại Hoàng thành Thăng Long, không gian nơi đây cũng tràn ngập sắc xuân và đón những vị khách đầu tiên từ ngày 16/2. Theo bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội), Trung tâm đã xây dựng Kế hoạch, phương án mở cửa, đảm bảo các yêu cầu phòng dịch Covid-19 cho khách tham quan. Cụ thể, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện phòng dịch, bố trí đầy đủ máy đo thân nhiệt tự động, máy sát khuẩn tự động, mã QR check in, khai báo y tế… Tiến hành vệ sinh các khu vực đón tiếp, nhà trưng bày và các điểm di tích, đảm bảo môi trường tham quan an toàn, xanh, sạch, đẹp. Bố trí phân luồng giãn cách tại nhà đón tiếp và các phòng trưng bày. Du khách tới đây tuân thủ tốt các quy định phòng chống dịch, đặc biệt hào hứng chụp ảnh cùng đàn chim bồ câu, khóm hoa, thảm cỏ hay bức tường thành cổ kính, check in để được tặng một món quà nhỏ với lời chúc may mắn đầu năm từ Trung tâm.

Nêu cao tinh thần phòng, chống dịch

Theo thống kê, trong ngày đầu mở cửa đón du khách trẩy hội, chùa Hương đã đón hơn 8.000 lượt khách thập phương về lễ Phật, cầu bình an. Lượng du khách về với chùa Hương ngày một đông, nhất là những ngày thứ Bảy và Chủ Nhật. Theo Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Việt, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch ở chùa Hương, tại 3 cổng trạm vào khu di tích, huyện Mỹ Đức đã bố trí đầy đủ lực lượng yêu cầu du khách thực hiện nghiêm “5K”, yêu cầu 100% đeo khẩu trang (bố trí bán khẩu trang bổ sung), sát khuẩn tay, khai báo y tế bằng QR code. Bố trí 8 chốt kiểm soát dịch và 3 lều y tế lưu động để xử lý các tình huống dịch bệnh phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ: Sốt, ho, mệt mỏi có yếu tố dịch tễ. Ban Tổ chức lễ hội cũng đã bố trí lực lượng công an tăng cường phân luồng xe, tránh ùn tắc giao thông.

Ông Nguyễn Văn Viên - Chủ đò tại bến Yến cho biết: Từ rạng sáng, gia đình tôi thay nhau trực tại bến để phục vụ khách có nhu cầu đi thuyền. Chùa Hương mở cửa đón khách giúp gia đình và nhiều hộ dân có thu nhập. Mỗi chuyến tôi chở dao động từ 5-10 người để phòng chống dịch. Du khách về với quần thể thắng cảnh Hương Sơn đều rất phấn khởi bởi phong cách phục vụ văn minh, lịch sự của Ban Tổ chức và nhân dân xã Hương Sơn. 3.000 đò vận chuyển du khách được trang bị phao cứu sinh, nước sát khuẩn và trở đúng số người theo quy định.

Đang là thời điểm tháng Giêng, tại Phủ Tây Hồ cũng đông người đến lễ đầu năm nhưng không có cảnh chen lấn, xô đẩy như trước đây. Theo ghi nhận của phóng viên, tại trục đường chính vào Phủ Tây Hồ, lực lượng công an phường, Ban Quản lý Phủ Tây Hồ chặn hàng rào chia thành từng đợt người vào để tránh quá đông và liên tục nhắc nhở người dân chấp hành các quy định phòng chống dịch, thực hiện quy định “5K” của Bộ Y tế. Ban Quản lý di tích cũng khuyến cáo người dân khi dâng lễ xong nên về luôn, tránh tụ tập đông người tại khuôn viên Phủ.

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã về tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động tại các di tích năm 2022. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã triển khai công tác bảo vệ, giữ gìn di tích, thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống đảm bảo phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn và chỉ đạo của Thành phố.

Đối với hoạt động lễ hội truyền thống, không tổ chức phần hội, chỉ thực hiện các nghi lễ với thành phần tham dự chính, đồng thời chủ động có phương án hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết theo thẩm quyền; tăng cường tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng bằng nhiều hình thức... /.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...