Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rước họa từ thói quen ăn đồ tái, sống

Mặc dù đã được các bác sĩ cảnh báo, nhưng thời gian qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vẫn ghi nhận các ca bệnh nguy kịch, thậm chí tử vong do nhiễm phải vi khuẩn liên cầu lợn, mà nguyên nhân liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món ăn từ thịt lợn chưa nấu chín. Mới đây nhất, lại có thêm 1 bệnh nhân bị suy đa tạng, hoại tử chân tay, phải lọc máu… vì nhiễm phải loại vi khuẩn nguy hiểm này.

Lọc máu vì nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân Đ.V.T (39 tuổi, ở Nghệ An), bị hoại tử hai bàn chân và ngón tay vì nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Bệnh nhân có sở thích hay ăn nem, chạo, thịt lợn sống. 4 ngày trước khi nhập viện, gia đình bệnh nhân có mua lòng lợn ở ngoài chợ về ăn. Bệnh nhân có ăn miếng dồi. Một ngày sau, bệnh nhân xuất hiện sốt 39 - 40 độ, mệt nhiều. Bệnh nhân đi khám tại một phòng khám tư và được chẩn đoán sốt vi rút. Tại đây, bệnh nhân được kê đơn hạ sốt nhưng tình trạng không cải thiện, xuất hiện các ban toàn thân.

Rước họa từ thói quen ăn đồ tái, sống
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thăm, khám cho bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn.

Sau đó, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An trong tình trạng sốt cao liên tục, xuất hiện ban hoại tử tăng dần vùng đầu chi. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do Streptococcus suis (vi khuẩn liên cầu lợn) trên nền bệnh gout.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm phổi, phải can thiệp thở máy, lọc máy… Hiện tại, bệnh nhân đã thoát được cơn nguy kịch. Tuy nhiên, các đầu chi ngón tay, ngón chân đã bị hoại tử. Sau phẫu thuật tháo khớp các chi hoại tử, bệnh nhân đã được chuyển trở lại Khoa Hồi sức tích cực để điều trị tiếp. Hiện, sức khoẻ bệnh nhân đã tiến triển tốt.

Với những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn không chỉ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí còn tử vong nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Liên quan tới ca tử vong do căn bệnh này, trước đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận một nam bệnh nhân (50 tuổi, ở quận Thanh Xuân) bị sốt 40 độ C, mệt mỏi, đau nhức cả hai khớp chân. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng tình trạng bệnh nặng lên. Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán, viêm phổi biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong. Kết quả xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn.

Hay trường hợp nam bệnh nhân (48 tuổi, ở huyện Ba Vì) cũng tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn. Trước khi nhiễm bệnh, trong quá trình giết mổ lợn, bệnh nhân không sử dụng biện pháp bảo hộ. Hai ngày sau khi giết mổ lợn, bệnh nhân sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, nôn. Sau đó một ngày, bệnh nhân xuất hiện ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, tình trạng bệnh nặng lên và bệnh nhân đã tử vong.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng người dân còn chủ quan với bệnh liên cầu lợn. Hầu hết các ca bệnh nhập viện điều trị đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín… Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp do tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi giết mổ, chế biến thực phẩm.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vi khuẩn Streptococcus suis cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Hiện có 2 týp liên cầu lợn. Týp I hay gây dịch bệnh lẻ tẻ ở các đàn lợn dưới 8 tuần tuổi. Còn týp II gây bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau của lợn. Týp II thường gây bệnh ở lợn thịt với các dấu hiệu viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da, gây sảy thai và chết đột tử ở lợn. Streptococcus suis týp II gây bệnh chủ yếu cho người.

Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy... khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu và sốc nhiễm trùng, tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Các chuyên gia y tế cho rằng, đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Bởi vậy, cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là phòng bệnh. Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, hiện chưa có vắc xin phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.

Để phòng bệnh liên cầu lợn, theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề, đặc biệt là phải nấu chín thịt lợn khi ăn. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Ngoài ra, những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...