A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết tâm ngăn chặn “giặc lửa”

Gần đây, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội có chiều hướng gia tăng và diễn ra hết sức phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy nổ là do sự thiếu ý thức cảnh giác của người dân. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giao dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy luôn được Công an thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm này…

Nỗi lo hỏa hoạn

Mới đây, tại hội nghị sơ kết triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC &CNCH) năm 2023 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an thành phố Hà Nội) đã báo cáo rút kinh nghiệm về công tác tổ chức chữa cháy và CNCH đối với 3 vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng khiến 10 người thiệt mạng (vụ cháy tại quận Hà Đông sáng 13/5; vụ cháy tại số 12 ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa, sáng 8/7; vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh xe máy điện xã An Khánh, huyện Hoài Đức, rạng sáng 19/7).

Theo đại diện của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, nguyên nhân của cả 3 vụ cháy là do chập điện, nhà xảy ra cháy có dạng nhà ống, đều tồn trữ nhiều chất dễ cháy. Trong khi đó, thời điểm xảy ra cháy là nửa đêm về sáng, người bị nạn đang ngủ nên không phát hiện cháy ban đầu. Các nhà ở đều có lối thoát nạn thứ 2 nhưng phát hiện cháy chưa kịp thời nên lửa, khói, khí độc lan nhanh, các biện pháp thoát nạn gần như không thể thực hiện được.

Qua 3 vụ cháy trên, theo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, về lâu dài cần có quy định lắp đặt hệ thống báo cháy tự động đối với công trình nhà ở riêng lẻ và các hộ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần tuyên truyền để người dân mở các lối thoát nạn khẩn cấp từ các phòng ngủ bởi thực tế trong 3 vụ cháy nêu trên, phòng ngủ đều có thể mở lối thoát nạn khẩn cấp.

Nâng cao hiệu quả về công tác PCCC

Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội luôn bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố để triển khai kịp thời công tác PCCC&CNCH. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đoàn thể quần chúng nhằm triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác PCCC&CNCH trên địa bàn. Hiện nay, Công an Thành phố đã ký kết 17 Quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành và 8 tỉnh giáp ranh liên quan tới công tác PCCC&CNCH.

Quyết tâm ngăn chặn “giặc lửa”
Công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC là nhiệm vụ quan trọng (Ảnh minh họa: H.D)

Ngoài ra, Công an Thành phố thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật trong công tác PCCC&CNCH để kịp thời tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành, kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này cho phù hợp với tình hình thực tế của thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, Công an Thành phố luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân PCCC là nhiệm vụ quan trọng, nên trong những năm qua không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật một cách toàn diện, cả về chiều rộng và chiều sâu.

Đồng thời, thường xuyên đổi mới, sáng tạo về nội dung, phương thức tuyên truyền, đảm bảo có thể tiếp cận sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Qua đó, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương cũng như người dân trong công tác PCCC&CNCH đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét.

Sau khi tuyên truyền, vận động đã có 102.034 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh (đạt 94,1%) và 1.496.239 hộ nhà ở hộ gia đình (đạt 91,3%) mở “lối thoát nạn thứ 2”; có 620.938 hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay với tổng số gần 1 triệu bình chữa cháy; 784.161 hộ gia đình đã tự trang bị dụng cụ phá dỡ thô sơ với tổng số 733.047 dụng cụ phá dỡ các loại. Đồng thời, đã thành lập, duy trì hoạt động 7.313 Tổ liên gia an toàn PCCC; xây dựng, lắp đặt 19.685 điểm chữa cháy công cộng…

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội” mới đây do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức đã có nhiều ý kiến về thực trạng, khó khăn vướng mắc cũng như các đề xuất, kiến nghị để triển khai tốt nhất công tác PCCC.

Đại diện Công an Thành phố kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các đơn vị rà soát, kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH phù hợp với thực tiễn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 99 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến PCCC&CNCH, đặc biệt là quy định đối với một số loại hình cơ sở đặc thù. Đồng thời, bổ sung quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCCC&CNCH tương xứng với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ; có chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động PCCC...

Tháng 7 Âm lịch - Mùa Vu lan báo hiếu - xá tội vong nhân theo truyền thống của dân tộc ta. Nhà nhà và các cơ sở đình đền, chùa, miếu… trên địa bàn Thành phố sẽ có nhiều hoạt động tín ngưỡng tưởng nhớ đến đấng sinh thành và những người đã khuất, trong đó có các hoạt động đốt đồ vàng mã.

Nhằm đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra trong quá trình thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, cơ quan Công an khuyến cáo nhân dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tuân thủ việc đốt vàng mã tại nơi quy định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...