A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Ninh: Những trăn trở ở khu tái định cư làng chài Hà Phong

Cuộc sống của các hộ dân khu tái định cư làng chài Hà Phong (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã có nhiều chuyển biến, song vẫn tồn tại nhiều khó khăn.

Nhiều chuyển biến tích cực

Trước năm 2014, trên vịnh Hạ Long có 7 làng chài với hơn 600 nhà bè. Những nhà bè nuôi trồng hải sản, giao dịch kinh doanh nhà hàng, kéo theo số lượng phương tiện ra vào tăng cao, cản trở luồng tàu chạy trên biển, ô nhiễm môi trường nước, gây áp lực cho công tác bảo vệ di sản vịnh Hạ Long. Đặc biệt, cuộc sống lênh đênh trên biển khiến trẻ em làng chài gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục.

Trước thực trạng trên, đầu năm 2014, TP. Hạ Long đã triển khai đề án “Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long” bằng nguồn ngân sách nhà nước. Dự án này được kỳ vọng giúp ngư dân làng chài có cuộc sống bền vững, ổn định và hạn chế tác động tiêu cực tới vịnh Hạ Long.

Quảng Ninh: Những trăn trở ở khu tái định cư làng chài Hà Phong
Khu tái định cư làng chài Hà Phong. (Ảnh Thế Hoàng)

Theo đó, các hộ dân tại các nhà bè trên được bố trí một lô đất tái định cư 80m² tại khu 8, phường Hà Phong, TP. Hạ Long. Bên cạnh đó, UBND TP. Hạ Long còn có chủ trương xây dựng bến cảng, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ đất canh tác nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các hộ dân được tái định cư trên bờ.

Sau nhiều năm sống tại khu tái định cư Làng chài Hà Phong (khu 8, phường Hà Phong, TP. Hạ Long), cuộc sống của người dân đã có một số chuyển biến tích cực. Bà Nguyễn Thị Lan (số nhà 21/A1, tổ 61, khu 8 phường Hà Phong) cho biết, gia đình bà có truyền thống đi biển nhiều đời nay, đến đời bà mới bắt đầu chuyển lên bờ.

Quảng Ninh: Những trăn trở ở khu tái định cư làng chài Hà Phong
Khi định cư trên bờ, bà Nguyễn Thị Lan mở quán cơm phở, hàng tạp hóa để mưu sinh. (Ảnh Thế Hoàng)

Theo bà Lan, trước khi định cư trên bờ, gia đình bà vẫn lênh đênh giữa biển để mưu sinh và lấy tàu thuyền làm nhà. Nhờ sự quan tâm của nhà nước, gia đình bà mới có ngôi nhà ở cố định và không phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi trời giông bão.

“Hồi trước đi biển, mỗi lần thấy trời mưa bão là hốt hoảng tìm nơi ẩn trú. Giờ chuyển lên bờ rồi mới được giấc ngủ ngon”, bà Lan nói.

Cũng giống như nhiều hộ dân khác, khi chuyển lên bờ, bà Lan cũng mở hàng để mưu sinh. Hiện nay bà Lan mở quán bún phở để bán cho người dân địa phương. Tuy số lượng khách hàng không đông lắm nhưng doanh thu cũng đủ bà Lan trang trải cuộc sống.

Theo các hộ dân khu tái định cư, điều quan trọng nhất khi định cư trên bờ là con cháu được đến trường học đầy đủ. Bên cạnh đó, các cháu còn được miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa.

Chưa bắt kịp đời sống trên bờ

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, cuộc sống của nhiều hộ gia đình khu tái định cư làng chài vẫn còn gặp không ít khó khăn cần giải quyết.

Do đặc thù dân làng chài là đánh bắt thủy sản trên biển, đa số không biết chữ nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Họ chỉ phù hợp với công việc có thu nhập thấp như bán hàng rong, bốc vác, cửu vạn, lái xe ôm… để đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Phạm Thị Vân (SN 1948; số nhà 30/A3) cho rằng, đối với dân khu tái định cư làng chài, việc phát triển kinh tế ở trên bờ vốn khó hơn nhiều so với việc khai thác hải sản. Một số người tìm được những công việc trên bờ nhưng mức thu nhập không cao nên họ lại quay lại với nghề đi biển.

Quảng Ninh: Những trăn trở ở khu tái định cư làng chài Hà Phong
Bà Phạm Thị Vân cho biết, nhiều người sống trên đất liền nhưng vẫn bám biển mưu sinh. (Ảnh: Thế Hoàng)

"Mặc dù định cư trên đất liền nhưng những trụ cột trong gia đình vẫn phải bám biển mưu sinh. Chỉ có một số phụ nữ, người già, trẻ nhỏ đi làm những công việc như rửa bát, phục vụ hàng quán...”, bà Vân chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một số hộ dân mong muốn sớm được nhà nước bàn giao sổ đỏ ngôi nhà khu tái định cư để họ có tài sản thế chấp, vay vốn phát triển kinh tế. Theo đó, họ có thể mua sắm phương tiện lớn hơn để đi đánh bắt xa bờ và khai thác các loại hải sản theo từng mùa nhằm cải thiện kinh tế.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Hải, Bí thư phường Hà Phong cho biết, hiện tại khu tái định cư Hà Phong có 354 hộ dân đang sinh sống. Cuộc sống của người dân đã ổn định hơn so với trước đây. Để đạt được kết quả trên, chính quyền tỉnh Quảng Ninh và TP. Hạ Long đã rất quan tâm đến các hộ dân làng chài.

Mặc dù có nhà cửa ở trên bờ nhưng khoảng 1/3 số hộ dân vẫn đi biển. Trong số đó, chủ yếu vẫn hành nghề đánh bắt hải sản. Mỗi ngày, họ kiếm được vài trăm nghìn để lo cho cuộc sống gia đình. Tối đến họ lại trở về với tổ ấm trên bờ.

Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vay. Theo đó, hộ gia đình nào đủ điều kiện sẽ được cho vay vốn để phát triển kinh tế. Thực tế đã có nhiều trường hợp được vay vốn ưu đãi nhưng đầu tư không hiệu quả.

Bí thư phường Hà Phong cho biết, theo đề án, các hộ dân sẽ được cấp sổ đỏ trong năm 2024. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khi được cấp sổ đỏ thì có thể người dân sẽ lại bán đất đi. Đó cũng là điều mà chính quyền địa phương rất trăn trở.

Dù còn nhiều trăn trở nhưng lãnh đạo phường Hà Phong vẫn tin tưởng rằng, vài năm nữa, cuộc sống của người dân khu tái định cư làng chài Hà Phong sẽ chuyển biến tích cực hơn, sẽ hòa nhập với cuộc sống của người dân trên bờ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...