A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phân loại rác thải: Loay hoay chờ hướng dẫn

Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định, các địa phương phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân chậm nhất là ngày 31/12/2024 theo mục 1 Điều 75. Thời hạn chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa nhưng thành phố Hà Nội nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung vẫn đang “loay hoay” đi tìm phương án thích hợp.

Loay hoay tìm phương án

Từ hàng chục năm trước, cùng với nhiều đô thị lớn trên cả nước, Hà Nội đã thử nghiệm mô hình phân loại rác tại nguồn theo mô hình 3R nhằm giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải. Dự án thu được một số thành công nhất định, nhưng rất tiếc vì đã không thể mở rộng được như mong muốn. Từ đó đến nay, hàng loạt dự án cũng đã được triển khai với cách thức, tên gọi khác nhau nhưng điểm mấu chốt hướng đến vẫn là “phân loại rác tại nguồn”

Phân loại rác thải: Loay hoay chờ hướng dẫn
Người dân quận Hoàn Kiếm tham dự chương trình đổi rác tái chế lấy quà.

Đơn cử tại quận Hoàn Kiếm, trong năm 2020 và 2021, các hoạt động tuyên truyền phân loại rác tại nguồn được tổ chức phối hợp với đổi rác lấy quà. Sự quan tâm của chính quyền địa phương, tinh thần tích cực phối kết hợp tổ chức sự kiện của các cơ quan, đơn vị và sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của người dân đã mang lại động lực cho bản thân người tham gia cũng như công nhân môi trường - những người làm công tác thu gom rác thải hàng ngày.

Dự án đã đạt được thành công nhất định trong việc tạo hiệu ứng truyền thông, qua đó giúp một bộ phận không nhỏ người dân xây dựng ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ như phân loại rác tại nguồn. Tuy vậy, về tổng quan kết quả này là vẫn chưa như kỳ vọng, bởi không có đề xuất đột phá nào nhằm thay thế các phương thức thu gom truyền thống.

Còn tại huyện Đông Anh, câu chuyện phân loại rác của huyện cũng đang được coi là một “mô hình điểm”. Với sự đồng hành của Chi cục Môi trường Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, sự hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp và sự vào cuộc nghiêm túc của người dân, đến nay, sau 2 năm thực hiện, Đông Anh đã hình thành một mô hình phân loại điểm với việc 100% các hộ dân của 28/28 xã thực hiện phân loại rác, thực hiện chế ủ rác hữu cơ thành phân bón ruộng và tự kiểm toán rác khi giao nộp cho đơn vị thu gom. Được biết, mục tiêu của huyện Đông Anh sẽ là giảm 50% khối lượng rác sinh hoạt, một mục tiêu hoàn toàn không đơn giản.

Hai ví dụ trên cho thấy, thành phố Hà Nội vẫn luôn mong muốn tìm ra phương án để triển khai công tác phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, từ nguồn lực hiện có rất khó để đảm bảo công tác này có thể triển khai một cách thuận lợi. Do đó, trước mắt điều quan trọng là thay đổi nhận thức của người dân và địa phương về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Còn trong tương lai, để duy trì thành công mô hình phân loại rác, cần phải cân bằng hài hòa giữa trách nhiệm công dân và lợi ích người dân để việc phân loại rác trở thành một nếp sinh hoạt ăn sâu vào đời sống hàng ngày.

Chờ hướng dẫn cụ thể

Từ 1/1/2023, công tác quản lý Nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Theo phân cấp, UBND cấp huyện thực hiện quản lý công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư đối với công tác thu gom, vận chuyển. Trong đó, UBND quận, huyện, thị xã là đơn vị trực tiếp quản lý thu gom, vận chuyển rác thải phát sinh trên địa bàn, thực hiện duy trì vệ sinh đường phố bằng cơ giới kết hợp thủ công, duy trì vệ sinh đường phố bằng xe quét hút; duy trì vệ sinh hè phố bằng thủ công; thu gom rác đường phố ca đêm, duy trì vệ sinh ngõ xóm; thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt về nơi xử lý.

Hiện nay, về các trạm trung chuyển quy mô cấp huyện, một số trạm trung chuyển đã đầu tư, vận hành theo hình thức xã hội hóa tại: Lâm Du, quận Long Biên; Phú Minh huyện Phú Xuyên; Cao Dương huyện Thanh Oai. Các điểm chuyển tải, tập kết rác thải trên địa bàn các huyện được xác định tại các vị trí phù hợp, gần đường giao thông thuận tiện cho việc tập kết, thu gom vận chuyển rác thải.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường, nhằm triển khai công tác phân loại rác, UBND Thành phố đã chỉ đạo xây dựng Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ vẫn đang phải chờ Thông tư hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 5 điều 79 Luật Bảo vệ môi trường. Sau khi có hướng dẫn, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện.

Còn trên thực tế triển khai, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, mặt bằng hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn Thành phố không đồng đều nên khó áp dụng đồng bộ về cơ giới hóa công tác duy trì vệ sinh môi trường, khó khăn trong việc xác định vị trí các điểm trung chuyển, tập kết tạm thời.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp UBND các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm và huyện Gia Lâm, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội xây dựng phương án thí điểm “kiểu mẫu về môi trường triển khai công tác phân loại rác tại nguồn đồng bộ với hoạt động duy trì vệ sinh môi trường”. Trong đó, sẽ đề xuất thí điểm mỗi địa bàn quận/huyện lựa chọn 1 phường/xã có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội và đặc điểm về dân cư khác nhau làm cơ sở thực hiện. Trong thời gian thực hiện thí điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, thu thập số liệu xây dựng Quy trình công nghệ, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá thực hiện trình UBND Thành phố ban hành làm căn cứ để 30 quận/ huyện đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu phân loại chất thải tại nguồn theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong thời gian chuẩn bị hiện tại, thành phố Hà Nội phải thiết lập vững chắc 3 chân kiềng là hạ tầng kỹ thuật, ý thức của các hộ gia đình và thực thi nghiêm các quy định về chế tài xử phạt của pháp luật.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết