Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những cảnh báo mới đáng lo về HIV/AIDS

Mặc dù công tác phòng chống HIV thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, không chỉ các cơ quan chức năng của Việt Nam đánh giá mà các tổ chức quốc tế như WHO (Tổ chức Y tế quốc tế) cũng đánh giá cao. Tuy nhiên, theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện số ca nhiễm HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng ca nhiễm mới nhất là nhóm thanh, thiếu niên, nhóm MSM (quan hệ tình dục đồng giới). Làm thế nào để xóa bản đồ “HIV” trong nhóm đối tượng trên góp phần thực hành hiện thành công công tác phòng, chống HIV/AIDS tại nước ta cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Gần 1.000 người nhiễm HIV mới mỗi tháng

Chia sẻ tại buổi họp báo về tháng hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 do Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức vừa qua, Thạc sĩ Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Tính đến nay, Việt Nam đã có 242.000 ca nhiễm HIV và 112.368 ca tử vong. Tại Việt Nam, mỗi tháng ghi nhận gần 1.000 người nhiễm HIV mới, trong đó hơn 80% bị lây nhiễm qua con đường tình dục, đặc biệt tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Những cảnh báo mới đáng lo về HIV/AIDS
Tăng cường điều trị dự phòng để ngăn ngừa lây lan HIV/AIDS.

Đơn cử, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phát hiện 9.025 ca nhiễm HIV mới, 1.378 ca tử vong. Đáng chú ý, số người nhiễm HIV mới phát hiện đến tháng 10/2022, có tới 36% ca tại Đồng bằng sông Cửu Long, 28% ca tại thành phố Hồ Chí Minh. Cũng tại hội thảo, bà Cao Kim Thoa, Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, những năm 2010 - 2011, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục và máu có sự cân bằng nhau. Nhưng đến năm 2020-2021, đường lây qua máu giảm chỉ còn 12-13%, trong khi lây qua đường tình dục tăng từ 35% năm 2010 lên hơn 80% vào năm 2022.

Theo báo cáo mới nhất, HIV có xu hướng trẻ hóa nhanh, ở nhóm người dưới 30 tuổi (những năm 2012-2013) tỷ lệ nhiễm HIV chỉ dưới 5%, nhưng đến năm 2022, con số này tăng rất cao lên 50%. Đáng chú ý, tỷ lệ mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ; đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, hằng ngày có khoảng 500 bệnh nhân đến khám, xét nghiệm, tư vấn điều trị HIV. Hiện Trung tâm Y tế quận đang điều trị ARV cho 1.691 bệnh nhân, đây cũng là cơ sở điều trị bệnh nhân đông nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế quận phát hiện 160 bệnh nhân nhiễm HIV. Đáng lưu ý, bệnh nhân ngày càng trẻ hóa, số bệnh nhân là nam quan hệ đồng tính (MSM) chiếm đến gần 500 người. Do số bệnh nhân trong nhóm MSM ngày càng gia tăng và trẻ hóa, nên Trung tâm Y tế quận rất chú trọng chương trình điều trị dự phòng (PrEP) với nhiều phương thức đa dạng.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu 95-95-95

Sau 2 năm tập trung phòng, chống đại dịch Covid-19, đến năm 2022, tại một số bệnh viện truyền nhiễm, tỷ lệ người đến khám, tư vấn, xét nghiệm HIV gia tăng, đặc biệt tăng mạnh trong giới trẻ.Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2022, dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, nhưng lại diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng ca nhiễm mới ở một số nhóm nguy cơ cao (MSM, thanh thiếu niên) và còn xa so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Chia sẻ với phóng viên, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh: Tình trạng nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam đã có một xu hướng mới. Trước đây khi nói đến nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam, chúng ta nghĩ đến ngay nhóm người nghiện chích ma túy hay phụ nữ mại dâm. Song hiện nay, qua phân tích sâu những số liệu khoa học của người nhiễm HIV/AIDS được báo cáo hằng năm cho thấy, tỷ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, chủ yếu là những người quan hệ đồng giới nam có xu hướng tăng.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho biết: Ở Việt Nam người dân cần tự hào vì có nhiều chương trình liên quan tới công tác phòng, chống HIV/AIDS và có nhiều thành công đáng ghi nhận. Một trong những thành công từ các chương trình này, là dự phòng PrEP- dự phòng trước phơi nhiễm. Có nghĩa đối những người chưa bị HIV nhưng có nguy cơ, họ có thể uống thuốc để phòng nguy cơ lây nhiễm.

Bên cạnh đó, đối với những người đã nhiễm HIV rồi thì họ cũng được điều trị rất tốt. Khi điều trị tốt như vậy mức tải lượng vi rút trong cơ thể người bệnh được khống chế sẽ không truyền vi rút HIV cho người khác.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Eric Dziuban, trong suốt hơn 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, thì các hoạt động liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn được triển khai. Và một trong những điểm tốt của chương trình điều trị HIV là cho phép bệnh nhân nhận thuốc điều trị trong vòng nhiều tháng, giúp bệnh nhân được điều trị liên tục và hiệu quả…

Một vấn đề đáng quan ngại khác hiện nay là xu hướng trẻ hóa tăng nhanh khi có ngày càng nhiều người nhiễm HIV ở lứa tuổi trẻ. Chính vì vậy, chủ đề của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay là “Chấm dứt dịch AIDS – Thanh niên sẵn sàng” và sẽ tập trung nhiều hơn vào nhóm thanh niên.

Họ là nhóm người cần có được sự quan tâm đầy đủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở cấp trung học và cả khi rời ghế nhà trường tiếp cận đến các môi trường mới để có kiến thức, biết được các biện pháp dự phòng tốt cho bản thân. Bà Phan Thị Thu Hương mong muốn những thông điệp, kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS sẽ được lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng; đặc biệt là các thanh niên trẻ để các bạn có thể dự phòng tốt hơn cho bản thân

Cũng theo lãnh đạo Cục phòng, chống HIV, mặc dù công tác phòng chống HIV đạt được nhiều kết quả, nhưng hiện dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, việc bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV, quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu thuốc ARV (thuốc ức chế sự phát triển của HIV), sinh phẩm xét nghiệm cũng nhiều vướng mắc, quá trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng rất khó khăn.

Để nâng hiệu quả công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS, bà Phan Thị Thu Hương cho biết, thời gian qua cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam cũng đã từng bước tự chủ tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS: Chuyển đổi điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Theo các chuyên gia, kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu kết thúc dịch AIDS sẽ hoàn thành khi Việt Nam đạt được các tiêu chí: Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm (hiện nay số người nhiễm là 10.000 ca/năm). Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS nhỏ hơn 1/100.000 dân (hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân). Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ít hơn 2% (hiện nay 6%).

Theo lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 khó thực hiện nếu không khống chế và giảm lây nhiễm được ở nhóm MSM và nhóm thanh thiếu niên trẻ có quan hệ tình dục không an toàn. Để đạt được mục tiêu, theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS cần phát hiện sớm người nhiễm mới để khống chế, khoanh vùng và kịp thời điều trị thuốc ARV để giảm tải lượng vi rút. “Người nhiễm HIV mới khả năng lây nhiễm cao hơn 28 lần so với người nhiễm lâu vì giai đoạn này nồng độ vi rút cao. Khi phát hiện ca nhiễm mới, phải nhanh nhất để đưa những người này có nồng độ vi rút xuống thấp nhất để giảm lây nhiễm” - Trưởng phòng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục phòng chống HIV/AIDS, để đạt mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, có 11 giải pháp được đề ra, trong đó trước hết cần thực hiện mục tiêu 95-95-95, có nghĩa, 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV; 95% người biết tình trạng HIV được điều trị ARV; 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.

"Đồng thời, cần tăng cường truyền thông mạnh mẽ tới người dân, đặc biệt ở nhóm MSM và nhóm thanh niên có quan hệ tình dục không an toàn. Từ việc phát hiện hình thái lây nhiễm mới ở nhóm MSM, thời gian tới, công tác phòng, chống dịch bệnh đưa vào những lộ trình, chiến lược mới để triển khai dự phòng và điều trị được cho nhóm MSM và nhóm chuyển giới nữ", Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết thêm.

Còn Tiến sĩ Eric Dziuban - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, đến nay kỳ thị vẫn là rào cản lớn để ngăn chặn mục tiêu quốc gia và mục tiêu toàn cầu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được bằng cách tuyên truyền, giáo dục và tăng cường truyền thông cho cộng đồng những triển vọng của khoa học trong điều trị HIV, để người dân không kỳ thị người bị HIV, giúp họ tự tin xét nghiệm phát hiện sớm và điều trị thuốc ARV, làm giảm lây nhiễm trong cộng đồng./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...