Nguy kịch do chữa bỏng sai cách
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc không nên sử dụng các loại lá cây, thuốc nam, thuốc đông y… không rõ nguồn gốc để đắp lên vết thương hoặc chữa bỏng, nhưng tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vẫn liên tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng da, nhiễm trùng nặng vì nguyên nhân trên.
Khi bị bỏng nước canh, thay vì tới cơ sở y tế để được điều trị, người đàn ông lại tới nhà người quen và được đắp một loại thuốc không rõ nguồn gốc. Kết quả là vết thương bị nhiễm trùng nặng. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Duy Linh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, Khoa vừa tiếp nhận và điều trị cho trường hợp bệnh nhân 53 tuổi vào viện trong tình trạng vết thương bỏng ở bàn tay bị nhiễm trùng.
Bác sĩ Phạm Duy Linh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang phẫu thuật cho bệnh nhân. |
Theo lời bệnh nhân chia sẻ, cách đây một tháng, bệnh nhân bị bỏng nước sôi. Ngay sau đó, bệnh nhân đã đến một nhà người quen, không phải nhân viên y tế để xử lý tổn thương. Bệnh nhân được đắp một loại thuốc lạ, không rõ nguồn gốc vào tay. Tuy nhiên, tổn thương không đỡ mà càng ngày càng phức tạp, nhiễm trùng, chảy dịch mủ vàng nặng lên. Lúc này, bệnh nhân mới vào viện điều trị.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân và tiến hành thăm khám, làm xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán vết thương khuyết da, nhiễm trùng mu bàn tay do điều trị bỏng sai cách. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt lọc, làm sạch ổ tổn thương. Bệnh nhân được điều trị, chăm sóc thay băng vết thương hằng ngày. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng vết thương đã được cải thiện, hết nhiễm trùng, tổ chức hạt lên đỏ, sạch sẽ. Bệnh nhân sẽ cần được phẫu thuật một lần nữa để đóng tổn khuyết và hồi phục chức năng bàn tay hoàn toàn.
Trước đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận và điều trị trường hợp bệnh nhi 18 tháng tuổi nhập viện cấp cứu vì bố mẹ chữa bỏng cho con bằng thuốc nam. Theo đó, khi đang pha sữa cho con thì mẹ của bệnh nhi có việc phải ra ngoài nên để tạm cốc nước sôi ở trên bàn, không may con trong lúc chơi đùa đánh đổ cốc nước sôi lên người, gây bỏng lớn ở vùng ngực. Tuy nhiên, thay vì đưa con vào bệnh viện điều trị, mẹ bệnh nhi lại nghe lời người quen đưa con đến nhà thầy lang để đắp thuốc nam. Ngày thứ 4 sau khi đắp thuốc, thấy con sốt cao chị mới đưa con đến viện tỉnh, rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương thì được các bác sĩ chẩn đoán con bỏng nước sôi độ II-III nhiễm trùng.
“Lúc con bị bỏng tôi luống cuống không biết phải làm gì, nghe người quen bảo có trường hợp bị bỏng cả người đắp thuốc nam không để lại sẹo, tôi vội tin luôn mà đưa con đến. Tôi rất hối hận vì đã không đưa con vào viện điều trị sớm để con bị nhiễm trùng nặng. Đây là sai lầm của tôi và cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ khi vẫn tin vào tác dụng “kỳ diệu” của việc đắp lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc” - mẹ bệnh nhi chia sẻ.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp tự chữa bỏng tại nhà sai cách. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Công Sáng, Phụ trách Đơn vị Bỏng, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương: Dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá cây theo kinh nghiệm mà chưa được khoa học kiểm chứng để xử lý vết thương, vết bỏng, tuy nhiên vẫn nhiều gia đình tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.
Đắp lá cây, các loại thuốc điều trị theo kinh nghiệm mà chưa được kiểm chứng và không đảm bảo sạch vào vết thương, vết bỏng là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến tổn thương nặng thêm, viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không nhiễm trùng thành nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra các biến chứng như: Viêm mủ màng tim, màng não, viêm mủ màng phổi, áp xe phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ…
“Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhi, nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời khi trẻ mới bị bỏng, sơ cứu tốt thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn nhiều và cũng đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian của gia đình. Tuy nhiên, do gia đình đưa đến bệnh viện muộn, vùng bỏng bị nhiễm trùng nặng đã hoại tử sâu, việc điều trị phức tạp hơn, có khi còn phải phẫu thuật nhiều lần và để lại di chứng cho trẻ sau này”- bác sĩ Sáng cho hay.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Linh cho biết, bỏng là tổn thương thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Tổn thương bỏng rất đa dạng và phức tạp. Vì vậy di chứng của nó để lại cho người bệnh rất nặng nề, nhất là bỏng ở một số vị trí đặc biệt nếu không điều trị tốt có thể dẫn tới tàn phế. Chính vì thế, bác sĩ Linh khuyến cáo, khi bị bỏng nước sôi, bệnh nhân nên nhanh chóng đưa vùng da bị bỏng ngâm vào nước nguội sạch để vệ sinh vết thương, tránh nhiễm khuẩn, sau đó xả nhẹ bằng nước mát. Việc này giúp vết thương được dịu đi, tránh đau rát, sưng tấy, vết bỏng cũng sẽ không bị tổn thương sâu tiếp nữa.
Sau đó sử dụng gạc hoặc miếng vải nhỏ sạch để băng vùng da bị bỏng, tránh tiếp xúc bụi bẩn. Cuối cùng, nhanh chóng chuyển người bị bỏng tới cơ sở y tế nơi gần nhất để kịp thời điều trị."Đặc biệt khi bị bỏng, người bệnh tuyệt đối không được đắp các loại thuốc lá, thuốc nam… không rõ nguồn gốc lên trên vùng bị bỏng, vì nó chỉ càng làm tổn thương bỏng thêm nặng và nhiễm trùng hơn", bác sĩ Linh nhấn mạnh thêm.
Theo các bác sĩ, bên cạnh việc xử lý vết bỏng đúng cách thì vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh cũng cần được lưu tâm. Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp cho người bệnh hồi phục nhanh chóng và giảm nguy cơ bị sẹo xấu. Đồng thời, bệnh nhân bỏng cần chú ý uống nhiều nước hàng ngày. Nếu uống ít nước, vùng da bị bỏng có xu hướng bị khô, mất nhiều thời gian hơn để chữa lành. Trường hợp ăn uống kém có thể uống thêm sữa giàu năng lượng 2 - 3 ly mỗi ngày để cung cấp thêm các dưỡng chất cần thiết giúp mau lành vết bỏng. Người bệnh cũng nên nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc vì vùng da tổn thương sẽ tự hồi phục khi ngủ. |