A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày mai, Quốc hội khóa bắt đầu đợt 2 của kỳ họp thứ 8

Từ ngày mai (20/11), đợt 2 của kỳ họp thứ 8 sẽ bắt đầu. Trong đợt này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết quan trọng.

Theo chương trình dự kiến, đợt 2 của kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 20 - 30/11 và Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng.

Theo đó, trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngày làm việc thứ 2, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Cùng ngày, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.

Ngày mai, Quốc hội khóa XV bắt đầu đợt 2 của kỳ họp thứ 8
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Đặc biệt, trong những ngày cuối đợt 2, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu, Luật Điện lực (sửa đổi) trường hợp đủ điều kiện, Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.

Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công (sửa đổi) trường hợp đủ điều kiện.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) bày tỏ tin tưởng với những chính sách, quy định pháp luật dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 có hiệu lực thi hành sẽ đáp ứng được mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về thể chế trong quá trình thực thi pháp luật thời gian qua, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và các nghị quyết thí điểm...

Bà Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, việc Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết này là giải pháp căn cơ nhất, hiệu lực, hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm nay và những năm tiếp theo, cũng như tạo ra cơ chế thuận lợi, thông thoáng để đẩy nhanh hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong thời gian tới tại các kỳ họp Quốc hội, bà Dung mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục nâng cao nữa công tác chuẩn bị hồ sơ dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội từ sớm, từ xa, dự đoán, nắm chắc nhu cầu để các đại biểu Quốc hội có thời gian tiếp cận nghiên cứu thuận lợi, trách nhiệm hết mình đóng góp cho Quốc hội thông qua các quyết sách, quy định hiệu lực, hiệu quả, thực thi.

Với quyết tâm đổi mới trong ban hành chính sách, một số đại biểu tin tưởng rằng, các dự thảo luật, nghị quyết, nội dung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 sẽ tạo được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội, thực sự tạo được niềm tin, sự mong đợi của cử tri và Nhân dân. Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện trong thực tiễn cuộc sống.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...