Ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại: Không chỉ bằng khẩu hiệu
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến ở các mặt hàng như đồ thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… Nhiều vụ việc, đối tượng đã bị cơ quan điều tra tiến hành khởi tố theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Vẫn chưa thuyên giảm
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả như thuốc lá, xì gà; pháo nổ; ma túy; dược phẩm; thực phẩm; phụ tùng… Nhiều vụ việc, đối tượng đã bị Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố theo quy định của pháp luật.
Điển hình như, ngày 4/7, Công an quận Hà Đông đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm - Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm bổ sung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe - Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Thiên Kim Group tại địa chỉ: Lô 01-CTT04, Luxury Kiến Hưng, Kiến Hưng, Hà Đông. Đoàn kiểm tra đã phát hiện hơn 6.000 viên uống thực phẩm bảo vệ sức khoẻ SLIM BE, viên uống hỗ trợ tăng, giảm cân…
Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng hoá, nguyên liệu, máy móc phục vụ việc sản xuất, đóng gói trên không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định… Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm về hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất cấm, Đội Quản lý thị trường số 11 - Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã chuyển hồ sơ và tang vật của vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hà Đông để tiếp tục xác minh, điều tra theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng trăm sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu. (Ảnh minh họa) |
Trước đó, ngày 6/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội khám phá thành công vụ Phạm Thanh Giang (sinh năm 1994, trú tại La Khê, Hà Đông) cùng đồng phạm Tô Bình Dương (sinh năm 1994, trú tại Lạng Giang, Bắc Giang), Đỗ Văn Mười (sinh năm 1994, trú tại Sầm Sơn, Thanh Hóa), Phạm Văn Quang (sinh năm 1994, trú tại Hậu Lộc, Thanh Hóa) có hành vi buôn bán qua biên giới trái pháp luật sản phẩm thực phẩm bổ sung can xi, dầu cá cho trẻ em với số lượng đặc biệt lớn. Tang vật thu giữ là 10.296 hộp thực phẩm có trị giá hơn 2,78 tỷ đồng. Ngày 14/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội buôn lậu…
Theo cơ quan chức năng, các tháng đầu năm 2023, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh phương thức, thủ đoạn các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ, trị giá hàng hóa... thì xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng như không khai báo, khai không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.
Cần vào cuộc quyết liệt hơn
Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thời gian gần đây, vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng Quản lý thị trường thấy rằng sự nhức nhối của hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền trí tuệ đang ngày càng phức tạp và tinh vi. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan Quản lý thị trường đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, những vụ việc đó, theo ông Linh, vẫn chưa đủ minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, những năm gần đây Việt Nam đã trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho các loại thương hiệu, sản phẩm và hàng hóa trong và ngoài nước. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản như tình hình sản xuất ngày càng phát triển, hàng hóa đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; Việt Nam phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, thiệt hại cho doanh nghiệp, gây thất thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là làm mất niềm tin người tiêu dùng.
Tại hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Trưởng Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm; chú trọng các kho hàng, bến bãi tập kết hàng hóa tại các quận, huyện như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì...; các điểm trung chuyển hàng hóa như: Ninh Hiệp, Ga Yên Viên, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; các điểm giao nhận chuyển phát hàng hóa, các tuyến đường có địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình...; qua đó, lập kế hoạch, chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm.
Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng; chủ động tham mưu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền về những sơ hở, bất cập trong các văn bản pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…