Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn chặn, dừng phổ biến phim trên không gian mạng khi có yêu cầu của cơ quan chức năng

Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh được ký ban hành ngày 31/12/2022. Cùng với Luật Điện ảnh năm 2022, Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2023.

Một trong những điểm mới của Nghị định là đưa ra điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng gồm: Có hội đồng phân loại phim, hoặc có phần mềm kỹ thuật hoặc cơ chế để thực hiện việc phân loại phim theo quy định, chịu trách nhiệm về kết quả phân loại phim; có phương án sửa đổi, cập nhật kết quả phân loại phim khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). Công cụ quản trị phải hỗ trợ việc phân loại phim theo từng tiêu chí và hiển thị linh hoạt ngay sau khi phim được cập nhật thay đổi về phân loại…

“Phim đã được phổ biến trên không gian mạng trước ngày 31-12-2023 thì đến ngày 1-1-2024 phải hoàn thành bổ sung cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim đến người xem trong trường hợp tiếp tục phổ biến”, Nghị định nêu rõ.

Ngăn chặn, dừng phổ biến phim trên không gian mạng khi có yêu cầu của cơ quan chức năng

Các tổ chức, doanh nghiệp phải gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VH-TT&DL.(Ảnh Minh họa)

Nghị định cũng đưa ra trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số trong việc gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm được quy định: Triển khai các giải pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VH-TT&DL. Chịu trách nhiệm về các nội dung của phim vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông, trường hợp phát hiện phim phổ biến trên không gian mạng có nội dung vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VH-TT&DL có quyền yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn truy cập phim vi phạm pháp luật.

Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được xử lý theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VH-TT&DL. Thời gian hoàn thành chậm nhất không quá 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.

Nghị định này cũng quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh với một số nội dung như: Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước để phục vụ nhiệm vụ chính trị được thực hiện bằng phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu; quy trình thực hiện lựa chọn dự án sản xuất phim.

Quy định tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ chiếu phim cho trẻ em phổ biến trong rạp chiếu phim. Miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật…

Sau khi Luật Điện ảnh ban hành, phim Việt được tăng thời lượng phát sóng, ưu tiên chiếu khung giờ vàng từ 18-22h. Tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu phim được thực hiện theo lộ trình: Giai đoạn 1, từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2025 bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm. Giai đoạn 2, từ ngày 1/1/2026, bảo đảm đạt ít nhất 20% tổng số suất chiếu trong năm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết