Ngăn chặn chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Để khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại các đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, từ đầu năm đến nay, BHXH Việt Nam đã tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ, đôn đốc thu, thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT.
Đồng bộ các giải pháp giảm tỷ lệ chậm đóng
Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình phục hồi sản xuất, kinh doanh trong nước, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn làm suy giảm khả năng thanh toán và mất cân đối dòng tiền, dẫn đến tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT có chiều hướng gia tăng. Nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người tham gia, thời gian qua, ngành BHXH luôn nỗ lực kiểm soát, đôn đốc, thu hồi số tiền chậm đóng và đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực.
Thanh tra Hà Nội phối hợp với BHXH Hà Nội công bố quyết định thanh tra tới doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng BHXH kéo dài. Ảnh: B.D. |
Theo đó, nhiều giải pháp đã được ngành BHXH triển khai đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành riêng một nghị quyết (Nghị quyết số 317-NQ/BCSĐ), đặt ra chỉ tiêu thu và giảm tỷ lệ chậm đóng, qua đó thể hiện sự quyết tâm chỉ đạo quyết liệt trong toàn ngành.
Cùng với đó, liên tục hằng tháng, BHXH Việt Nam tổ chức giao ban toàn ngành về công tác thu, phát triển người tham gia. Trong đó, đánh giá chi tiết tiến độ thu, chỉ tiêu giảm chậm đóng với từng địa phương; trên cơ sở đó kịp thời đưa các chỉ đạo phù hợp với tình hình cả nước cũng như đặc thù ở từng tỉnh, thành phố.
Song song với đó, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố cử cán bộ trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc thu kịp thời khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, lập biên bản yêu cầu đơn vị đóng BHXH, BHYT đúng quy định. Hằng tháng thông báo cho đơn vị kết quả đóng BHXH, BHYT tháng trước và số tiền dự kiến phải đóng trong tháng để đơn vị biết được tổng số tiền phải đóng.
Cơ quan BHXH cũng đã chủ động chia sẻ thông tin về chậm đóng BHXH, BHYT của doanh nghiệp với cơ quan Thuế theo quy chế phối hợp và đề nghị cơ quan Thuế, cơ quan Thanh tra ở địa phương phối hợp thực hiện các cuộc thanh tra liên ngành. Đồng thời, chuyển hồ sơ những đơn vị không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra đến cơ quan Công an và kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Thường xuyên công khai danh sách các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả xử lý tình trạng chậm đóng, nợ đóng, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử: Khai thác dữ liệu lớn, phân tích các tiêu chí rủi ro để đôn đốc thanh tra, kiểm tra; tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng. Kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm pháp luật đóng BHXH, BHYT; lập hồ sơ khởi tố đối với trường hợp cố tình vi phạm...
Với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt trên, trong năm 2022, tổng số thu BHXH, BHYT toàn ngành là 435.168 tỷ đồng, tăng 38.531 tỷ đồng (9,71%) so với năm 2021, đạt 102,68% kế hoạch năm và vượt 11.354 tỷ đồng so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Đặc biệt, số chậm đóng BHXH, BHYT đã được giảm xuống mức thấp nhất trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, số chậm đóng là 12.988 tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu - đây là tỷ lệ chậm đóng/số phải thu được ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016, tỷ lệ chậm đóng ở mức 6% tổng số phải thu). Riêng 4 tháng đầu năm, ghi nhận tổng số thu BHXH, BHYT là 141.222 tỷ đồng, đạt 29,5% kế hoạch tạm giao, tăng 14.725 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tạo điều kiện để giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Với quan điểm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, ngành BHXH luôn thực hiện giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại các doanh nghiệp chậm đóng BHXH cũng như kịp thời đề xuất, tham mưu với bộ, ngành liên quan để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những lao động này theo quy định. Trong trường hợp cần chi trả chế độ cho người lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động, chậm nộp mang tính chất “luân phiên” nêu trên thì cơ bản các đơn vị đều thực hiện theo quy định và được giải quyết kịp thời.
Ngoài ra, ngành BHXH Việt Nam cũng luôn quan tâm, giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại các đơn vị phá sản, giải thể. Trong số 206.468 lao động tại các đơn vị đã phá sản, đơn vị đang làm thủ tục giải thể, đơn vị ngừng hoạt động, đơn vị không còn người đại diện pháp luật (chủ bỏ trốn), đến thời điểm hiện nay cơ quan BHXH đã giải quyết chế độ cho 30.241 người lao động các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, BHXH một lần; 34.575 người lao động được xác nhận quá trình đóng đang bảo lưu; 77.627 người lao động được xác nhận quá trình đóng, hiện đang tiếp tục tham gia tại đơn vị mới (đã cài đặt phần mềm VssID - ứng dụng số trên nền tảng thiết bị di động). Số còn lại nếu đủ điều kiện hưởng các chế độ BHXH thì cơ quan BHXH sẽ tiếp tục giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động theo quy định.
Tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn tác động đến công tác an sinh xã hội trên địa bàn tại các địa phương. Nhằm tiếp tục tăng cường công tác thu, thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị, bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt của ngành BHXH Việt Nam, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm chấp hành đóng BHXH, BHYT đúng quy định của các doanh nghiệp trên địa bàn. Các sở, ngành địa phương cần phối hợp chặt chẽ để nắm bắt thường xuyên tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời cảnh báo, đi đến phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, qua đó bảo vệ quyền lợi người lao động chủ động, tích cực.