A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng đường, chống ngập, nhà dân thành hầm…

Nhà thành hầm, nhếch nhác, ngập lụt… là tình cảnh mà nhiều hộ dân đang cư trú tại khu vực bến Phú Định, Phường 16, Quận 8, TP Hồ Chí Minh đang phải gánh chịu nhiều năm nay.

Khóc vì nâng đường

“Gần 7 năm nay, người dân phải chịu đựng cảnh lầy lội, hôi hám, ngập lụt suốt… Chống ngập kiểu gì mà giờ nhà nào cũng phải sắm máy bơm, không thì ngập tới đầu luôn”, ông Nguyễn Văn Hải (82 tuổi), sống hơn 70 năm tại khu vực bến Phú Định, than thở.

Theo lời ông Hải, gần 10 tuổi, ông theo gia đình về nơi này cư trú. Lúc đó, nơi đây chỉ là con đường đá nhỏ. Nhà gần sông nên khi triều cường, mưa lớn hay ngập nhưng không nhiều và rút nhanh. Rồi xã hội phát triển, mực nước ngập cũng ngày càng cao.

Tính đến thời điểm này, căn nhà của ông Hải đã nâng nền 4 lần nhưng giờ vẫn thấp hơn mặt đường gần nửa mét. “Nâng nền nhiều lắm rồi, giờ không dám nâng nữa. Đường vẫn chưa làm xong nên nâng nữa không biết bao nhiêu là đủ”, ông Hải nói.

Chú Hải đang ngồi trên cái nền nâng lần thứ 4 của gia đình thấp hơn nhiều so với mạt đường hiện hữu
Ông Hải đang ngồi trên nền nhà được nâng lần thứ 4 của gia đình nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mặt đường hiện hữu

Ngay vị trí bến phà Phú Định, mặt đường đã được thảm nhựa, sạch sẽ. Qua khỏi cổng phà khoảng 50m, mặt đường trũng hẳn xuống, tóp lại chỉ còn vừa đủ 2 xe máy đi ngược chiều. Mặt đường lởm chởm đá đan xen ổ gà, nước đọng từng vũng. Không gian cả đoạn bốc mùi ngai ngái.

Nằm nghỉ trên chiếc giường xếp ngay trước sân nhà số 3/1 - 3/3, ông Nguyễn Hoàng Nghiệm (76 tuổi), bật dậy khi thấy có người chụp hình tuyến đường. “Ngập hả? Ở đây triều cường là ngập rồi, bao nhiêu năm có thấy gì khác đâu. Đường sá ngập lụt, xuống cấp không thấy ai sửa gì cả, muốn không ngập phải có máy bơm…”, ông Nghiệm than thở.

đoạn đường đau khổ của đường Bến Phú Định
Đoạn đường nhếch nhác của bến Phú Định

Cách nhà ông Hải khoảng vài chục mét, nhà số 43 bến Phú Định của gia đình ông Hồ Hoàng Kiếm tụt hẳn xuống và thấp hơn mặt đường khoảng 30 - 40cm. Phía trước nhà, nhiều túi vải bên trong là cát đang được phơi. “Giờ phải phơi khô chứ không vải nó mau mục. Lúc triều cường, mưa lớn không có mấy cái túi này thì nước tràn vào nhà, bơm tát không kịp…”, ông Kiếm nói.

Theo ông Kiếm, hầu hết nhà dân ở đây đều thấp hơn rất nhiều so với mặt đường. Chỉ có những nhà mới xây sau này, họ nâng nền cao thì mới không ngập. Những nhà có điều kiện đều phải sắm máy bơm.

ông Kiếm bên những thiết bị chống ngập của gia đình mình
Ông Kiếm bên những thiết bị chống ngập thô sơ của gia đình

Có một điểm chung của khu dân cư nơi đây là trước nhà đều có đường ống hướng ra đường để xả ngập. Mà ngập ở khu bến Phú Định này cũng lạ, ngăn được nước tràn từ ngoài vào thì nước từ dưới sàn trồi lên, muốn thoát ngập cũng khó.

Việc nâng đường “biến” nhà dân thành hầm không phải mới. Hiện tượng này đã từng xảy ra nhiều trên địa bàn TP HCM. Nhiều nơi không thể nâng nền nên nhà thành “hầm” kéo dài suốt hàng chục năm nay.

Khu chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) là một minh chứng. Chị Oanh, cư dân đang sống ở tầng trệt, lô F, chung cư Thanh Đa cho biết, nhà chị trước đây ở khu lô số, sau khi nghe giải tỏa, chị sang nhượng lại một phần của căn hộ tầng trệt lô F này để ở, đến nay đã hơn 10 năm. Khi về ở thì đường đã được nâng và “nhà” đã thành hầm. Trận lụt năm 2018 khiến khu vực ngập sâu ngang ngực, gia đình chị sợ nên xây bờ ngăn nước cao nửa mét so với mặt đường (đường cao hơn 1m so với nền nhà).

Căn nhà chị Oanh với bờ đắp cao nửa mét so với mạt đường
Căn nhà chị Oanh với bờ đắp cao nửa mét so với mặt đường

Sau khi được nâng đường chống lụt, mặt đường hiện hữu và tầng 1 của chung cư chỉ còn cách nhau chưa tới 2m, biến tầng trệt trở thành tầng hầm.

Khổ vì dự án chống ngập

“Cách đây hơn 10 năm, chính quyền thông báo sẽ mở rộng con đường bến Phú Định, tính từ tim đường vào là 15m. Thế rồi mãi sau không thấy ai làm. Sau đó lại nghe nói sẽ làm cây cầu nhưng cũng không thấy làm luôn. Gần nhất là dự án chống ngập, nghe đâu hàng nghìn tỷ đồng, kéo dài gần 7 năm nay rồi. Nghe bảo dự án này đạt được hơn 85% rồi nhưng không hiểu sao để không vậy hơn 2 năm qua, chẳng thấy ai làm gì nữa. Giờ dân ngại nghĩ đến chuyện sửa nhà vì không biết sắp tới là chuyện gì nữa. Với hiện trạng nhếch nhác này, muốn mua bán, làm ăn gì cũng không được…”, ông Hải trầm ngâm.

Nhìn từ hiên nhà ông Hải, trụ cửa ngăn triều thuộc dự án có tổng vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng, cao vời vợi giữa trời, hiện đại, hoành tráng… tiếc là sau nhiều năm thi công, chưa thấy phát huy được hiệu quả. “Nếu như không muốn nói là tạo thêm nỗi khổ cho dân”, một người dân nơi đây than thở.

công trình nghìn tỷ vào môi trường sống của người dân hiện nay
Công trình nghìn tỷ và môi trường sống của người dân hiện nay

Trong lúc dừng chân trong con hẻm nhỏ để ghi nhận thực tế, một người phụ nữ dẫn theo đứa con nhỏ khoảng 4 tuổi nhìn chúng tôi thốt lên: “Khi mới thi công, họ nói khoảng 3 năm, giờ 7 năm rồi vẫn chưa xong, thậm chí tình trạng ngập còn tệ hơn. Cả khu này mỗi khi mưa, mấy con hẻm nước dâng lên gần nửa mét, còn lội được, chưa đến mức bơi xuồng…”.

công trình chống ngập giờ còn được người bảo vệ chăm sóc
Công trình chống ngập giờ chỉ còn người bảo vệ trông coi

10.000 tỷ đồng cho một dự án chống ngập (với 9 hạng mục), kéo dài gần 7 năm nhưng vẫn cứ ngập. Người dân nhiều năm vẫn phải bì bõm lội mỗi khi trời mưa, triều cường. Nhà thì thành hầm, tụt sâu so với mặt đường. Nỗi khổ này của người dân ai thấu và không biết bao giờ chấm dứt?


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết