A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống cháy nổ

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình hình cháy nổ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Nhiều vụ hỏa hoạn đã gây thiệt hại lớn về người. Thực trạng này đòi hỏi người dân phải nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Nhiều vụ việc thương tâm

Đã hơn 1 ngày trôi qua, nhưng người dân ở thôn Ngãi Cầu vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến vụ cháy tại hộ nhà ở kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện Ánh Dương (địa chỉ thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, khiến cả gia đình 3 người thiệt mạng; tài sản gồm nhiều xe đạp, xe máy điện và đồ dùng gia đình bị thiêu rụi hoàn toàn.

Hiện trường ngôi nhà bị hoả hoạn có diện tích khoảng 120m2 gồm 1 tầng, 1 lửng (diện tích tầng lửng khoảng 30m2 bố trí dùng để ở và sinh hoạt gia đình); lắp cửa cuốn ra vào… vẫn đang được phong tỏa để phục vụ cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra nguyên nhân và đánh giá mức độ thiệt hại.

Chị Lê Thị Thu (thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh) cho biết, ngọn lửa trong ngôi nhà bùng lên rất nhanh, chỉ vài phút đã nhấn chìm cả ngôi nhà trong biển lửa. Mặc dù khi phát hiện cháy, bà con hàng xóm người cầm xà beng, người cầm cuốc để tìm cách mở cửa cứu người, nhưng chẳng làm gì được. Lửa cháy nhanh quá. Chỉ trong chớp mắt vừa mất người, vừa mất của, thật là đau xót…

Nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống cháy nổ

Vụ cháy xảy ra trong đêm tại hộ nhà ở kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện Ánh Dương.

Chỉ cách đây chưa đến 2 tuần, ngày 8/7, một vụ cháy xảy ra tại căn nhà ở ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa, cũng khiến 3 người tử vong. Đám cháy bắt đầu từ tầng 1 của căn nhà, sau đó lan lên các tầng khác.

Căn nhà bị cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dich vụ, nhà hình ống, cao 6 tầng, 1 tum, diện tích khoảng 60m2, kết cấu bê tông cốt thép. Căn nhà có các lối thoát hiểm ở tầng 1, tầng 2 và tầng 6 nhưng bị chặn bởi song sắt, vật dụng và hàng hóa khiến các nạn nhân không thể thoát ra được.

Trước đó, một vụ cháy nhà cũng diễn ra trên địa bàn quận Hà Đông, vụ cháy làm 4 nạn nhân tử vong khiến nhiều người xót xa. Cụ thể, sáng 13/5, Công an thành phố Hà Nội nhận được tin báo cháy tại ngôi nhà cao 3 tầng, 1 tum ở phường Quang Trung.

Trung tâm thông tin chỉ huy Công an Thành phố nhanh chóng điều động Công an quận Hà Đông, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) khu vực IV xuống hiện trường làm nhiệm vụ. Đến khoảng 8h15, đám cháy được khống chế và dập tắt. Trong quá trình tiếp cận tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra các tầng đã phát hiện 4 nạn nhân là bà cháu tử vong trong đám cháy…

Nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống cháy nổ

Xót xa 3 người tử vong trong ngôi nhà 6 tầng tại phố Khâm Thiên

Trên đây chỉ là số ít những vụ hoả hoạn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản xảy ra trong thời gian vừa qua. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố Hà Nội, hiện tại trên địa bàn Thành phố có hơn 500.000 nhà hình ống đang được sử dụng và sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

Con số này phần nào lý giải cho việc tại sao gần đây xảy ra quá nhiều vụ cháy liên quan tới loại hình công trình này. Trong khi đó, hạ tầng đô thị nhiều ngõ nhỏ, đông dân cư. Nhiều khu vực, xe chữa cháy không thể tiếp cận, khi xảy ra sự cố, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Ý thức vẫn là điều quan trọng nhất

Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ cháy nhà dân, các công trình đều có lối thoát nạn, nhưng lại được gia cố bằng khung sắt, chuồng cọp, khiến việc thoát nạn và chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của lực lượng chức năng gặp khó khăn. Dẫn tới thương vong về người trong các đám cháy.

Đây là thực trạng nhức nhối. Những đợt tuyên truyền cao điểm, vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2 cho ngôi nhà đã được lực lượng Công an cơ sở tiến hành. Thế nhưng, để thay đổi được nhận thức và ý thức của người dân, không phải là điều dễ dàng.

Nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống cháy nổ

Hà Nội vận động nhà dân mở "lối thoát nạn thứ 2" để phòng cháy

Theo Chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Nam Từ Liêm, dù nguy cơ cháy nổ cận kề song nhiều người chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC, thiếu kiến thức, kỹ năng thoát nạn; không trang bị hoặc có trang bị nhưng chưa đầy đủ phương tiện.

Đa phần các hộ đều tự ý chuyển đổi công năng để ở sang hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến không bảo đảm điều kiện về an toàn PCCC&CNCH. Dễ thấy nhất là bố trí hàng hóa, vật tư, nguyên liệu sản xuất ảnh hưởng lối thoát nạn; hệ thống điện quá tải; nguồn lửa, nguồn nhiệt không bảo đảm an toàn.

Hành vi không tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn PCCC là một trong những nguyên nhân chính, chủ yếu gây ra những vụ hỏa hoạn gần đây. Với những cơ sở kinh doanh, những khu vực, địa điểm, ngành nghề có nguy cơ cháy nổ cao thì yêu cầu đảm bảo an toàn về PCCC được quy định cụ thể, chặt chẽ và vấn đề kiểm tra kiểm soát được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Với những khu dân cư thì nguy cơ cháy nổ cũng cao và khi đám cháy xảy ra thì thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là không tránh khỏi.

Nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống cháy nổ

Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân thao tác sử dụng các phương tiện PCCC&CNCH trang bị tại chỗ

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Điệp - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường Thanh Xuân Bắc, cho biết :"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ và hậu quả nghiêm trọng có thể kể đến những nguyên nhân như, không đảm bảo tuân thủ các quy định về PCCC, do chập điện, do bất cẩn trong việc sử dụng các chất dễ cháy...

Dù nguyên nhân nào chăng nữa thì khi vụ cháy xảy ra người bị thiệt hại, nguy hiểm đầu tiên là người dân. Vì vậy, hiểu biết các quy định pháp luật về PCCC, đảm bảo an toàn về PCCC là trách nhiệm của mọi công dân".

Liên quan đến công tác PCCC trên địa bàn, ông Lê Văn Thủy - Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê, cho biết, là một trong những địa bàn dân cư đông đúc với nhiều ngõ ngách nhỏ hẹp, xe chữa cháy không tiếp cận được, nên trong những năm qua, công tác PCCC&CNCH luôn là một trong những nhiệm vụ được Đảng ủy, UBND và lực lượng chức năng phường quan tâm thực hiện.

Nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống cháy nổ

Nâng cao ý thức và kỹ năng PCCC cho người dân, đang là mục tiêu quan trọng hàng đầu được lực lượng Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện

Về kỹ năng thoát nạn khi xảy ra hoả hoạn, có thể kể ra một số vụ việc mà theo đó, khi có kỹ năng xử lý, người dân hoàn toàn có thể thoát nạn một cách an toàn khi cháy xảy ra.

Đơn cử như vụ cháy xảy ra vào khoảng 4h sáng ngày 20/6 tại một nhà dân ở quận Hà Đông. Ngay khi phát hiện có khói tràn lên phòng ngủ, anh Bùi Hoàng Điệp - chủ nhà, đã xác định cháy xảy ra ở tầng 1, vì thế anh đã gọi các thành viên khác trong gia đình, bình tĩnh tìm cách lên điểm cao nhất của ngôi nhà để tạm tránh sự nguy hiểm của ngọn lửa, cũng như chờ lực lượng cảnh sát cứu hộ.

Hay như vụ cháy vừa xảy ra ngày 17/5 tại gia đình anh Đ.N.Q (ngõ 125 phố Vĩnh Phúc, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội). Khoảng 5h sáng, khi phát hiện có cháy, lửa nhanh chóng bùng to. Không thể di chuyển xuống dưới tầng 1. Lúc này, 5 thành viên của gia đình anh Q đã trèo qua lối ban công, bình tĩnh thoát nạn sang nhà kế bên. Rất may công trình này cũng không cơi nới, lắp đặt chuồng cọp, việc thoát nạn bởi vậy cũng dễ dàng hơn…

Việc nâng cao ý thức và kỹ năng PCCC cho người dân, đang là mục tiêu quan trọng hàng đầu được lực lượng Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai, với tinh thần đặt sự an toàn tính mạng của người dân lên trên hết. Đây cũng là giải pháp tối ưu để hạn chế tối đa những thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân do hỏa hoạn gây ra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết