Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Méo mặt vì sử dụng sản phẩm do Cú Đấm Thép TV quảng cáo

Hiện nay người dân bức xúc khi hình ảnh người nổi tiếng trong những clip quảng cáo lố, sai sự thật. Họ cho rằng, đây là hành vi tiếp tay cho lừa đảo.

Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, nên xử lý như thế nào?

Sản phẩm không phải là thuốc nhưng lại được quảng cáo như một sản phẩm thuốc đặc trị...

Hiện nay, chỉ cần mở các nền tảng mạng xã hội, Youtube, Zalo, Tiktok... sẽ dễ dàng gặp nhiều người nổi tiếng “thao thao bất tuyệt” về một sản phẩm hàng hóa nào đó, tính năng, công dụng của nó như những loại "tiên dược" có thể chữa "bách bệnh". Nhiều clip với sự có mặt của người nổi tiếng quảng cáo các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị người tiêu dùng phản ứng cho rằng quảng cáo sai sự thật, "nổ" công dụng. Dư luận cho rằng, đây là hành vi tiếp tay cho việc lừa đảo người tiêu dùng.

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, tuy nhiên tình trạng này không giảm mà có chiều hướng gia tăng, biến tướng tinh vi, phức tạp hơn. Nguyên nhân là do chế tài chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa; áp lực dư luận chưa đủ mạnh nên các vụ việc sai phạm bị phát hiện, xử lý ồn ào một thời gian nhưng cuối cùng thì “đâu vẫn vào đấy”.

Không chỉ người nổi tiếng quảng cáo các thực phẩm chức năng mà thời gian gần đây còn xuất hiện, Youtuber (người sáng tạo nội dung trên Youtube) cũng "mạnh dạn" quảng cáo các loại thuốc chữa một số bệnh. Tiêu biểu trong số này phải kể đến Youtuber Phan Đình Huy chủ kênh Cú Đấm Thép TV. Thời gian gần đây, trên kênh Cú Đấm Thép TV liên tục các clip của Phan Đình Huy quảng cáo, chia sẻ, phân phối về một loại thuốc đặc trị hôi nách mang thương hiệu Cú Đấm Thép. Trong clip, chủ nhân của kênh Cú Đấm Thép TV Phan Đình Huy liên tục “nổ”, tung hô loại thuốc đặc trị, cam kết chữa khỏi… bệnh hôi nách, hôi chân lâu năm, nặng cỡ nào cũng khỏi.

Méo mặt vì sử dụng sản phẩm do Cú Đấm Thép TV quảng cáo

Quảng cáo lố trên trang Cú Đấm Thép TV: " SẠCH HÔI NÁCH HÔI CHÂN - VÌ MỘT VIỆT NAM KHÔNG HÔI NÁCH..."

Tuy nhiên, khi phóng viên mua thử sản phẩm thì trên bao bì thể hiện sản phẩm này là của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mỹ phẩm Ngô Thanh Phủ sản xuất, có địa chỉ tại số 4, đường 4, khu công nghiệp Suối Tre, phường Bảo Vinh, TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Đồng thời sản phẩm trên không thể hiện việc đã được cơ quan chức năng cấp phép công bố theo quy định như: Số đăng ký, số công bố, số lô sản xuất… đây là hình thức lập lờ, đánh tráo khái niệm sản phẩm và có dấu hiệu lừa đảo người dùng, dùng sự nổi tiếng của mình để quảng cáo tràn lan trên các trang thông tin điện tử với những công dụng “thần thánh”.

Theo một chuyên gia ngành Hóa học Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh: “Sản phẩm này chỉ là tinh dầu thông thường, nó giống như một loại nước thơm, nước hoa, khi xài thì thơm, mà hết xài thì lại như lúc ban đầu mà thôi. Tuy nhiên, việc nhà phân phối này “nổ” như thuốc đặc trị, điều trị, chữa trị,… bệnh hôi nách, hôi chân như một loại thần dược quý hiếm để bẫy người tiêu dùng, lừa đảo khách hàng mà thôi. Giá của các loại tinh dầu này trên thị trường rất rẻ và dễ tìm mua”.

Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, nên xử lý như thế nào?

Các sản phẩm đang quảng cáo là "chính hãng" đang quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội

Nếu đối chiếu quy định trên có thể thấy, các hoạt động quảng cáo của Youtuber Cú Đấm Thép TV kể trên đã vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, gây hiểu lầm giữa sản phẩm tinh dầu thông thường với thuốc, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Nếu người tham gia quảng cáo ở những khía cạnh tích cực thì họ chính là một kênh thông tin hữu hiệu giúp công chúng mua được những sản phẩm tốt. Tuy nhiên, họ không nắm rõ chất lượng sản phẩm khi tham gia quảng cáo sẽ “sai một ly, đi một dặm”, ảnh hưởng đến tên tuổi, hình ảnh mà họ đã gây dựng bao năm.

Đáng nói, nhiều người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm sai sự thật, bị dư luận lên án thì xin lỗi là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra. Trong khi đó, ảnh hưởng của người tiêu dùng thì rất lớn, đặc biệt là người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn… tiền thì mất mà bệnh không những không thuyên giảm mà có chiều hướng nặng thêm.

Liên quan đến vấn đề này, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL, cho biết: “Các điều kiện bắt buộc khi quảng cáo những sản phẩm quảng cáo liên quan đến sức khỏe đã được quy định rõ. Theo đó, các sản phẩm phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo trước khi thực hiện quảng cáo trên các phương tiện. Cụ thể, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt”.

Luật sư N. N. H, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc ký hợp đồng quảng cáo đối với các nhãn hàng, doanh nghiệp để quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là chuyện bình thường của bất kỳ ai. Đó là nguồn thu nhập hợp pháp và chính đáng. Tuy nhiên, tham gia vào thị trường quảng cáo, mọi người cần tìm hiểu các quy định pháp luật.

“Trường hợp vô ý hoặc cố ý vi phạm quy định Luật Quảng cáo, quảng cáo hàng hóa dịch vụ bị cấm hoặc quảng cáo khi chưa biết rõ về công dụng, giá trị của sản phẩm, quảng cáo sai sự thật hoặc có gian dối trong quảng cáo sẽ gây hệ lụy rất xấu cho xã hội và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Luật sư khẳng định.

Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo Luật Quảng cáo 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018 thì quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đều là hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.

Một người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 80.000.000 đồng; đồng thời phải có hoạt động đính chính thông tin; tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi trên để khắc phục hậu quả (Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo).

Đặc biệt, nếu đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội Quảng cáo gian dối, chưa được xóa án tích mà còn tiếp tục vi phạm thì người vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và có thể phạt tiền lên đến 100 triệu đồng theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015.

Đồng thời, căn cứ theo Điều 71 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với những hành vi quảng cáo sai sự thật như trên, sẽ là Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; Chánh Thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết