Kỳ 1: Những thủ đoạn tinh vi, phi nhân tính
Nắm bắt nhu cầu tìm người mang thai hộ của nhiều gia đình hiếm muộn, những năm gần đây, nhiều đối tượng đã lập nên những đường dây môi giới đẻ thuê, mang thai hộ, hoạt động tinh vi trên mạng xã hội, bất chấp mọi quy định của pháp luật. Trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua, loại tội phạm này đã được các cơ quan chức năng tăng cường đấu tranh, triệt phá và đã thu được những kết quả tích cực.
“Cất vó” đường dây mang thai hộ…
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội thông tin về việc triệt phá một đường dây tổ chức đẻ thuê, mang thai hộ hoạt động tinh vi trên mạng xã hội. Sau gần 1 năm thâm nhập, điều tra, Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người (Đội 2), Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá thành công chuyên án, gây được tiếng vang trong dư luận.
Vợ chồng Đinh Thị Bình tại căn nhà thuê làm địa điểm hoạt động môi giới đẻ thuê. |
“Nữ quái” cầm đầu đường dây là Đinh Thị Bình (sinh năm 1993, trú tại P414, tòa HH03C, Khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Cùng hỗ trợ Bình là chồng của cô ta, Dư Văn Linh (sinh năm 1990). Theo hồ sơ vụ việc, hai vợ chồng Đinh Thị Bình không có nghề nghiệp ổn định. Bản thân Bình sau nhiều năm lấy chồng không có con cũng đã phải dùng phương pháp khoa học để can thiệp. Ban đầu, Bình lần mò trên các hội nhóm của mạng xã hội để tìm hiểu thông tin, quy trình mang thai hộ, bán trứng, tinh trùng để phục vụ nhu cầu của bản thân. Sau khi sinh con thành công, nhận thấy nhu cầu nhiều người cần người mang thai hộ vì không thể sinh con, hoặc nhiều người cần tiền muốn mang thai hộ để lấy tiền nuôi sống gia đình, bản thân, Bình nảy sinh ý định tổ chức môi giới mang thai hộ, bán trứng để kiếm lời và trực tiếp tìm khách trên các trang mạng.
Thượng úy Nguyễn Tiến Tuấn - Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội là một trong những người trực tiếp tham gia chuyên án suốt gần 1 năm qua, cho biết, qua điều tra cho thấy, Đinh Thị Bình đã đứng ra lập các hội, nhóm, quản trị trang Fanpage trên Facebook, Zalo đăng các bài viết có nội dung hỗ trợ hồ sơ mang thai hộ, hiến trứng, tư vấn xin trứng và mang thai hộ miễn phí. Cùng góp sức cho vợ chồng Bình còn có đối tượng Đinh Thị Thiện (em gái Bình, sinh năm 1995 và chồng là Nguyễn Bá Minh, sinh năm 1990, cùng trú tại tòa HH02-2B, Khu đô thị Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai). Thiện đã cùng Minh thực hiện làm giả các loại giấy tờ để hợp thức hóa việc tạo phôi, cấy phôi tại các bệnh viện và tổ chức mang thai hộ. Mỗi hợp đồng mang thai hộ các đối tượng thỏa thuận với giá từ 700 - 900 triệu đồng bao gồm cả tiền hợp đồng cấy tạo phôi cho đến chăm sóc người mang thai hộ và sinh nở…
Sau thỏa thuận ban đầu, đối tượng môi giới tổ chức những buổi gặp gỡ cho người muốn mang thai hộ với các gia đình có nhu cầu thuê. Nhằm tạo lòng tin với khách, Bình thuê một căn hộ chung cư tại tòa HH2B Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai. Căn hộ này Bình chỉ dùng để tiếp đón khách mới đến tham quan. Qua quá trình điều tra, lực lượng Công an phát hiện, các đối tượng cấu kết chặt chẽ, tuyển lựa, nuôi dưỡng hàng chục phụ nữ trẻ, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai ăn ở tập trung và thường xuyên thay đổi chỗ ở nhằm qua mắt lực lượng chức năng…
Theo thiếu tá Hoàng Văn Hùng - Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội, các điểm nuôi người mang thai hộ của đường dây này đều được trang bị camera giăng kín từ cổng đến khắp các góc, các phòng của nhà. Mỗi điểm, đối tượng Bình chỉ cho tối đa 3 người mang thai hộ, đồng thời cắt cử người quản lý, còn Bình quản lý chung qua hệ thống camera. Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai hộ, Bình không cho người mang thai hộ ra ngoài, hay tiếp xúc, liên lạc với bất kỳ ai, nhằm tránh trường hợp người mang thai hộ, bán trứng bỏ trốn. Tại các điểm nuôi nhốt, đối với những phụ nữ đang trong thời gian “chờ khách”, Bình thường xuyên cho dùng thuốc kích trứng để bán. Giá mỗi lần bán trứng khoảng 22 triệu đồng. Mỗi lần kích có thể lấy được nhiều trứng, sau đó sẽ được sàng lọc, tạo phôi. Toàn bộ quá trình kích trứng và lấy trứng đều được thực hiện tại các bệnh viện. Trường hợp chưa bán được trứng thì Bình gửi vào ngân hàng tích trữ trứng, tinh trùng của các bệnh viện, đợi khi có khách thì đem bán.
Ngoài các hợp đồng mang thai hộ ở Hà Nội, đường dây này còn tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại liên tỉnh. Đấu tranh khai thác, từ tháng 5/2021 đến 4/2022, “bà trùm” đường dây mang thai hộ Đinh Thị Bình đã thực hiện môi giới trót lọt 8 vụ mang thai hộ. Tổng số tiền thu lợi bất chính khoảng 6 tỷ đồng. Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự đã tiến hành bắt giữ Đinh Thị Bình, Dư Văn Linh, Đinh Thị Thiện, Nguyễn Bá Minh về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Vén màn những thủ đoạn tinh vi
Do tình trạng hiếm muộn đối với các cặp vợ chồng có xu hướng ngày càng tăng, nên các đối tượng đã không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn để trục lợi, trong đó việc sử dụng mạng xã để môi giới… Những đối tượng môi giới thường dùng số điện thoại “rác”, tài khoản mạng xã hội ảo để hoạt động và rất ít khi lộ diện nên khó xác định danh tính. Chỉ cần gõ cụm từ “dịch vụ đẻ thuê”, hay “dịch vụ mang thai hộ” trên trang mạng, có đến hàng chục nhóm kín hiện ra với số lượng thành viên từ vài chục đến cả ngàn thành viên.
Hầu hết các đối tượng “môi giới” đều không có chuyên môn, nghiệp vụ y tế, sinh sản nhưng vẫn tư vấn cho người khác về quá trình mang thai hộ. Theo nhận định của cán bộ Công an Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội, hiện nay, thủ đoạn của các đối tượng trong các đường dây mang thai hộ tinh vi hơn trước. Tức là, các đối tượng phân công rõ vai trò của từng người tham gia từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng thường không ra mặt trực tiếp mà thông qua môi giới.
Được biết, các đối tượng sẽ bao trọn gói, từ khi vào viện đến khi sinh mỗi ca thành công, thu khoảng từ 700-800 triệu đồng, nếu thai đôi số tiền lên đến 900 triệu đồng. Tuy nhiên, những người mang thai hộ chỉ nhận được khoảng 250-300 triệu đồng. Trong quá trình mang thai hộ, người mang thai sẽ được chu cấp toàn bộ, từ thăm khám đến ăn uống thường ngày. Hầu hết, các gia đình nhờ mang thai hộ cũng sẽ không biết ai là người mang thai hộ mà thường nhận tin qua các đối tượng môi giới về quá trình hình thành, phát triển của thai nhi. “Qua công tác nắm tình hình địa bàn và các thông tin do quần chúng cung cấp, chúng tôi xác định tội phạm mang thai hộ là một trong những xu hướng mới, ngày càng biến tướng đa dạng. Công tác điều tra gặp khó khăn vì các đối tượng này thường không đứng ra trực tiếp mà đều qua môi giới”, Thượng úy Nguyễn Tiến Tuấn cho biết.
Cũng theo Thượng úy Nguyễn Tiến Tuấn, trong những năm gần đây, xu thế đang phát triển thì mang thai hộ vì lợi ích thương mại là tội danh mới. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, pháp luật mới đưa vào để xử lý, còn trước năm 2018 hành vi này không có trong quy định. Do vậy, nhiều người vẫn lợi dụng sơ hở của pháp luật để tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thậm chí chưa nhận thức được đây là hành vi phạm tội hình sự. Chính vì vậy, cần phải tiếp tục tuyên truyền để người dân biết và thực hiện đúng pháp luật./.
(Còn nữa)