Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hủy án sơ thẩm vụ Rita Võ giao hàng không đúng xuất xứ

Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm Tòa án Nhân dân (TAND) TP HCM đã chấp nhận kháng cáo của bà Trần Ngọc Linh, hủy một phần bản án sơ thẩm trong vụ Rita Võ kiện khách hàng, trả hồ sơ về tòa án sơ thẩm để xét xử lại.

Tạo điều kiện để "thương hiệu lớn" hòa giải nhưng không thành

Ngày 15/1, TAND TP HCM đã tuyên án vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Tập đoàn Rita Võ (gọi tắt là Rita Võ) và bị đơn là bà Trần Ngọc Linh (ngụ Quận 7, TP HCM).

Quá trình xét xử, bị đơn cho biết, khi đến showroom của Rita Võ để tìm hiểu sản phẩm, qua xem xét, sản phẩm tủ mát âm tường, tủ đông âm tường đều có cánh cửa bên ngoài và tay nắm cửa như hợp đồng đã thể hiện. Các hợp đồng mua bán giữa 2 bên cũng thể hiện tủ mát và tủ đông đều có cánh cửa và tay nắm có xuất xứ là Miele - EU.

Sản phẩm tủ mát, tủ đông mà bà Linh mua từ Rita Võ có giá gần nửa tỷ đồng mỗi chiếc nhưng bị phản ánh không đúng nguồn gốc xuất xứ

Sản phẩm tủ mát, tủ đông mà bà Linh mua từ Rita Võ có giá gần nửa tỷ đồng mỗi chiếc nhưng bị phản ánh không đúng nguồn gốc xuất xứ

Tại phiên tòa, nguyên đơn thừa nhận hình ảnh thể hiện tủ đông, tủ mát có cửa và tay nắm. Các sản phẩm gồm tủ cấp đông âm, tủ mát âm và máy rửa chén được giao cho bà Linh không giống với hình ảnh sản phẩm mô tả, không đúng xuất xứ hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Cụ thể, 3 sản phẩm trên sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia không thuộc EU) là không đúng theo hợp đồng đã ghi là xuất xứ Miele - EU.

HĐXX đánh giá, việc Rita Võ giao hàng hóa có xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ cho bà Linh là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của hợp đồng.

Ngược lại, phía bị đơn cũng có lỗi trong việc tự ý đưa sản phẩm vào sử dụng đến nay, thay vì giao trả hàng hóa đã được niêm phong hoặc giữ nguyên hiện trạng ngay khi phát hiện có lỗi hoặc sai phạm của bên bán.

Bà Linh cho rằng, sản phẩm tủ mát, tủ cấp đông mà Rita Võ chào bán và ký hợp đồng là xuất xứ từ EU - hàng của Đức nhưng khi giao hàng lại có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ (không phải EU)

Bà Linh cho rằng, sản phẩm tủ mát, tủ cấp đông mà Rita Võ chào bán và ký hợp đồng là xuất xứ từ EU - hàng của Đức nhưng khi giao hàng lại có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ (không thuộc EU)

Cũng theo HĐXX, bản án sơ thẩm đã xét xử và chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là chưa chính xác do các sai phạm trên của nguyên đơn. Về thủ tục tố tụng, các chứng cứ có giá trị quan trọng như vận đơn, thư trả lời của Miele... đều chưa được dịch ra tiếng Việt; các văn bản chưa được hợp pháp hóa lãnh sự để được xem xét tính hợp pháp của chứng cứ.

Căn cứ các lý do trên, HĐXX nhận thấy cấp phúc thẩm không thể bổ sung những thiếu sót và việc xác định lại giá trị của 3 sản phẩm mà các bên tranh chấp được sản xuất tại quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ là bao nhiêu để so sánh giá trị sản phẩm được sản xuất tại nước Đức.

Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bà Trần Ngọc Linh, hủy một phần bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về tòa án sơ thẩm để xét xử lại.

HĐXX cấp phúc thẩm TAND TP HCM đã chấp nhận kháng cáo của bà Trần Ngọc Linh, hủy một phần bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về tòa án sơ thẩm để xét xử lại

HĐXX cấp phúc thẩm TAND TP HCM đã chấp nhận kháng cáo của bà Trần Ngọc Linh, hủy một phần bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về tòa án sơ thẩm để xét xử lại

Trước đó, tại phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 20/12/2023, HĐXX nhận định, Rita Võ đã giao hàng không đồng bộ, không đúng chủng loại, xuất xứ. “Phụ lục hợp đồng hai bên đã thỏa thuận rồi đi đến ký kết. Hình ảnh sản phẩm theo phụ lục hợp đồng thì phải giao theo hình ảnh của phụ lục hợp đồng”, HĐXX nêu rõ.

Đối với bị đơn, HĐXX cho rằng, khi phát hiện Rita Võ giao hàng không đồng bộ, không đúng yêu cầu nhưng không niêm phong lập biên bản để hoàn trả cho Rita Võ mà vẫn sử dụng là có một phần lỗi.

Sau khi xét hỏi, phân tích đúng sai của nguyên đơn và bị đơn, HĐXX nhận định Rita Võ là thương hiệu lớn nên ngồi lại với khách hàng để giải quyết vấn đề, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu cũng như uy tín. Ngoài ra, số tiền mà bị đơn còn nợ không phải quá lớn, vẫn trong khả năng thanh toán của bà Linh.

Do đó, HĐXX cho nguyên đơn và bị đơn khoảng thời gian 7 - 10 ngày để hòa giải. Tuy nhiên, do các bên không tìm được tiếng nói chung nên HĐXX tiếp tục mở phiên tòa.

Hợp đồng một đằng, giao hàng một nẻo

Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/5/2020, giữa Rita Võ và bà Trần Ngọc Linh có ký 2 hợp đồng kinh tế về cung cấp thiết bị vệ sinh thương hiệu Kohler và thiết bị bếp thương hiệu Miele. Tổng giá trị 2 hợp đồng gần 1,9 tỷ đồng. Riêng hợp đồng cung cấp thiết bị bếp thương hiệu Miele là hơn 1,1 tỷ đồng.

Đại diện Rita Võ cho rằng, đơn vị đã giao đầy đủ hàng hóa của cả 2 hợp đồng cho bà Linh từ tháng 12/2020 và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành, bảo trì hàng hóa theo đúng thỏa thuận. Tuy nhiên, do bà Linh không thanh toán đủ nên công ty khởi kiện buộc bà thanh toán nợ gốc hơn 368 triệu đồng và lãi chậm thanh toán hơn 179 triệu đồng.

Không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bà Linh có đơn phản tố, đồng thời cho rằng đối với hợp đồng cung cấp sản phẩm thiết bị bếp, bà đã chuyển 80% tiền hàng. Sau đó, Rita Võ giao tủ mát, tủ cấp đông, máy rửa chén không đúng như hình ảnh sản phẩm được thể hiện trong hợp đồng và tư vấn, thiếu mặt tủ, tay nắm.

Hơn nữa, tủ mát, tủ cấp đông mà Rita Võ chào bán và ký hợp đồng là xuất xứ từ EU - hàng của Đức nhưng khi giao hàng lại có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ (không phải EU).

Hủy án sơ thẩm vụ Rita Võ giao hàng không đúng xuất xứ

Hợp đồng kinh tế (kèm phụ lục) về cung cấp thiết bị vệ sinh thương hiệu Miele thể hiện nguồn gốc xuất xứ là EU nhưng khi giao hàng lại là "made in Turkey"

Sau khi phát hiện sản phẩm giao không đúng với hợp đồng, bà Linh đã thông báo đến Rita Võ để thu hồi sản phẩm và yêu cầu hoàn tiền cho 3 sản phẩm này. Tuy nhiên, phía Rita Võ vẫn luôn khẳng định đã làm đúng hợp đồng và yêu cầu bà Linh thanh toán phần tiền còn lại.

Trong đơn khởi kiện, Rita Võ lý giải: Sản phẩm tủ mát, tủ đông và máy rửa chén mà bà Linh lựa chọn là hàng âm tường, không có mặt tủ ở phía trước. Điều này Rita Võ đã tư vấn cho bà Linh và đã được nhà sản xuất của hãng Miele Đức xác nhận.

Về xuất xứ hàng hóa, Rita Võ khẳng định: Hãng Miele đã xác nhận các sản phẩm nêu trên là hàng chính hãng của Miele Đức. Mặc dù hàng hóa được sản xuất, gia công ở nhiều quốc gia khác nhau nhưng sản phẩm vẫn là hàng chính hãng của Miele Đức, chất lượng đạt tiêu chuẩn Châu Âu.

Rita Võ cũng cho rằng công ty đã yêu cầu niêm phong hàng hóa để chờ giải quyết hoặc thu hồi sản phẩm và hoàn tiền nhưng bà Linh đã lắp đặt sản phẩm dùng từ đó đến nay.

Sau nhiều lần tiếp xúc, trao đổi nhưng do các bên không tìm được tiếng nói chung, phía Rita Võ có các lý do không đưa sản phẩm về, trong khi bà Linh đang cần nên đã lắp đặt để sử dụng.

Xét xử sơ thẩm, TAND Quận 7 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Rita Võ, buộc bà Linh có nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn số tiền tổng cộng hơn 548 triệu đồng (trong đó tiền gốc là 368,3 triệu đồng và tiền lãi 179,7 triệu đồng).

Không đồng ý với phán quyết của TAND Quận 7, bà Linh kháng cáo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...