Giữ nhịp sống, thắp sáng niềm tin!
Kể từ khi dịch Covid-19 vượt qua biên giới, xâm nhập vào nước ta, Hà Nội đã xác định rõ tinh thần “chống dịch như chống giặc”, động viên toàn thể nhân dân cùng chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ, trách nhiệm, đoàn kết một lòng. Hiện tại, trong bối cảnh hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp Hà Nội vẫn đang có những quyết sách đúng đắn nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Giữ Hà Nội an toàn
Kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát đến nay, Hà Nội đã trải qua những chuỗi ngày kiên cường, chủ động giữ an toàn cho địa bàn, đặt ưu tiên sức khỏe và tính mạng người dân lên hàng đầu. Còn nhớ, ngày 23/7/2021 tình hình dịch Covid-19 trở nên “nóng” với hơn 7.300 ca mắc mới được ghi nhận trên cả nước, riêng thành phố Hồ Chí Minh số người mắc chiếm hơn 65%; Hà Nội cũng ghi nhận 56 ca mắc trong ngày, nhiều ca không rõ nguồn lây.
Ngay lập tức, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thường trực Thành ủy xác định, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, huy động được sức dân tham gia; phải hành động thần tốc với ý chí và trách nhiệm cao nhất. Tối cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND chính thức thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày, từ 6h ngày 24/7/2021.
Thực tế cũng đã chứng minh, quyết sách này là đúng đắn để ngăn chặn dịch bệnh khi Hà Nội chưa có đủ vắc xin. Từ đây, đà lây lan được khống chế, các ca F0 dần dần lộ diện, công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly được thực hiện kịp thời.
Công tác chống dịch được Hà Nội đẩy mạnh. |
Đáng chú ý, từ kinh nghiệm chống dịch tích lũy được cũng cho thấy chiến lược chống Covid-19 của Hà Nội được triển khai linh hoạt và hiệu quả. Hà Nội đã chuyển sang trạng thái chủ động phòng, chống dịch bằng những cách làm sáng tạo.
Đó là, kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao; khoanh vùng rộng nhưng phong tỏa hẹp; đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm Covid-19 diện rộng cho địa bàn có nguy cơ cao, tăng nhanh tiến độ “phủ” vắc xin trong người dân… Mặt khác, Thành phố cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành mang tính chiến thuật để phòng, chống Covid-19 với các mức độ nới lỏng hoặc siết chặt hoạt động xã hội phù hợp với từng thời điểm khác nhau, từ đó vừa kiểm soát dịch, vừa giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm sinh kế cho người dân.
Phát huy những mô hình hiệu quả
Những ngày gần đây, số ca F0 tại Hà Nội có xu hướng diễn biến ngày một phức tạp. Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch có nguy cơ bùng phát và có thể xuất hiện nhiều ca bệnh mới. Nguyên nhân do mầm bệnh đã tồn tại ngoài cộng đồng, còn những ca bệnh chưa được phát hiện; trong khi tâm lý chủ quan đang tồn tại trong một số bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị…
Trước bối cảnh mới, tình hình mới, để ứng phó, Hà Nội đã xây dựng phương án ứng phó với dịch Covid-19 ở mức cao hơn với kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên hàng nghìn ca/ngày; kích hoạt các trạm y tế lưu động để thu dung, điều trị bệnh nhân F0, không triệu chứng và triệu chứng nhẹ… Đặc biệt, Hà Nội đã chú trọng nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay và huy động sức mạnh từ cơ sở tham gia phòng, chống, ứng phó với Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Cụ thể, các Tổ Covid-19 cộng đồng đã tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực các cán bộ y tế dự phòng trong công tác điều tra, truy vết thần tốc ca bệnh và những trường hợp liên quan để kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch.
Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", thời gian qua bên cạnh công tác chống dịch, các ban, ngành, đoàn thể đã vào cuộc, hỗ trợ những hoàn cảnh gặp khó khăn do dịch. |
Bà Nguyễn Thị Xuân, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Xóm Chằm (xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) cho biết, tại Xóm Chằm, vẫn duy trì mô hình hoạt động của “Tổ nhân dân tự quản” về an ninh trật tự song song với Tổ Covid cộng đồng. Ngoài việc tuyên truyền tại từng nhà dân, tổ còn đưa những thông tin về tình hình dịch bệnh trên loa và các mạng xã hội để người dân có thể kịp thời thông tin.
Đặc biệt, người dân Xóm Chằm đã quen với việc tiếp nhận thông tin phòng, chống dịch từ các nhóm zalo. Những “bảng tin số” cũng dành chỗ biểu dương các cá nhân gương mẫu, cảnh báo một số hiện tượng xấu như đổ trộm rác thải, mâu thuẫn giữa các gia đình.
Tương tự, tại Tổ dân phố số 18 phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), theo tìm hiểu nơi đây đã xây dựng được mô hình “Tổ tự quản phòng, chống dịch bệnh Covid-19” với 7 “Nhóm liên gia tự quản” và hoạt động rất hiệu quả. 100% hộ dân đã ký cam kết “Gia đình an toàn Covid-19”. Cùng đó, Tổ dân phố đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ gạo, nhiều nhu yếu phẩm và hỗ trợ cho hơn 300 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19…
Rõ ràng, cách thực hiện ở những mô hình trên có những điểm khác nhau song lại cùng hướng đến mục tiêu chung là đoàn kết nhân dân, sát cánh cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh. Điều này cũng cho thấy, cái hay trong kinh nghiệm chống dịch của Hà Nội là thống nhất trên dưới như một. Dịch Covid-19 vẫn còn, song với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh đoàn kết, hoàn toàn có thể tin tưởng Hà Nội sẽ làm nên chiến thắng. Một Xuân mới với nhiều thắng lợi mới.
Hà Nội cùng cả nước đã trải qua những ngày chống chọi với sự bùng phát của dịch Covid-19. Những con số thống kê hằng ngày cho thấy, Covid-19 là thứ dịch bệnh nguy hiểm, là thử thách lớn. Với vị trí Thủ đô, trái tim của cả nước, để đại dịch sớm được đẩy lùi, để các phương án phòng, chống dịch của Đảng bộ, chính quyền Thành phố đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất thì sự chấp hành của người dân, sự vào cuộc của chính quyền các cấp, toàn thể hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố hết sức quan trọng. |