Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm thiểu tỷ lệ mắc, tử vong do sốt xuất huyết

Số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 224.771 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 92 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng hơn 4 lần, số ca tử vong tăng 72 trường hợp. Khu vực miền nam, miền trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong ở mức cao. Tại Hà Nội, số ca mắc cũng gia tăng và đã có trường hợp tử vong.

Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 56.870 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng hơn 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 23 trường hợp tử vong, tăng 19 ca so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, từ ngày 12/9 đến 18/9, thành phố ghi nhận 2.657 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 2,8% so với trung bình bốn tuần trước đó; số bệnh nhân điều trị nội trú giảm 21%, điều trị ngoại trú tăng 17%. Hầu hết các quận, huyện đều có số ca mắc giảm so với số ca mắc trung bình bốn tuần trước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự báo năm 2022, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao. Bệnh viện Nhi đồng 1 đã mở rộng khu điều trị, chuẩn bị trang thiết bị, thuốc để thu dung bệnh nhân và điều trị ca nặng. Thời gian qua, bệnh viện đã thu dung điều trị và cứu sống thành công nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để giảm tỷ lệ tử vong cần chẩn đoán sớm, điều trị đúng phác đồ, tăng cường hội chẩn và chuyển viện an toàn.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Đa số ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta hiện nay là ở các tỉnh phía nam. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, giao thương đi lại và đô thị hóa thiếu kiểm soát. Các năm 2020, 2021, số ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta nói chung, khu vực phía nam nói riêng rất thấp do thời điểm đó đang xảy ra đại dịch Covid-19, việc đi lại giữa các vùng giảm tối đa, nhất là trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, năm 2022, sốt xuất huyết bùng phát trở lại, số ca mắc chỉ thấp hơn năm 1998 (năm dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành tại Việt Nam).

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi-rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt; đến nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bên cạnh đó, nguồn lực phòng, chống sốt xuất huyết không ổn định, nhất là thiếu đầu tư nguồn lực cho phòng ngừa chủ động. Trong khi đó, 50% tỉnh, thành phố khu vực phía nam thiếu hóa chất diệt muỗi. Việc thiếu nhân viên y tế, cộng tác viên tại cộng đồng khiến cho việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết thiếu tính bền vững.

Tại Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây. Từ ngày 16 đến 22/9, toàn thành phố ghi nhận 890 trường hợp mắc sốt xuất huyết và một trường hợp tử vong; số ca mắc tăng 17,1% so với tuần trước đó. Các bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Thanh Oai (105 ca), Đan Phượng (69 ca), Thanh Trì (69 ca), Thạch Thất (55 ca), Hà Đông (52 ca), Thường Tín (51 ca) , Hoàng Mai (50 ca)... Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 3.913 ca mắc, trong đó có bốn trường hợp tử vong; số ca mắc tăng gấp 4,2 lần so với số ca mắc cùng kỳ năm 2021. Tuýp vi-rút Dengue lưu hành chủ yếu là DENV1 và DENV2, DENV4. Ngành y tế Hà Nội dự báo, số trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ tiếp tục gia tăng do đang trong cao điểm mùa dịch.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tập trung kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, nhất là tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao; giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ; đồng thời tổ chức tập huấn hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue cho các quận, huyện.

Ngoài ra, các địa phương cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại khu vực nguy cơ cao… Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời trường hợp sốt xuất huyết; dự trù thuốc, trang thiết bị sẵn sàng điều trị cho người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong, giảm biến chứng và giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu ngành y tế các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh, chú trọng hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết nhằm hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong trên địa bàn.

Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy và thực hiện các biện pháp như: thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt bọ gậy; loại bỏ vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi… để diệt muỗi. Người dân tích cực phối hợp ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...