Du lịch với cồng chiêng
Một trong những sản phẩm du lịch đặc thù, cũng là niềm tự hào và thu hút du khách của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.
Từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” vào năm 2005 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên luôn chú trọng bảo vệ và phát huy di sản quý giá này. Chủ nhân của di sản này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Êđê, J’rai, M’nông... cùng các yếu tố như cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng đã làm nên một sản phẩm du lịch độc đáo để du khách tìm hiểu và trải nghiệm.
Các bạn trẻ đánh chiêng tre (Ching kram) - một nhạc cụ truyền thống độc đáo của người Êđê. |
Không gian văn hóa cồng chiêng gắn liền với các nghi lễ cộng đồng, lễ hội. Vì vậy, để cảm nhận rõ ràng nhất, du khách có thể tham gia trọn vẹn một nghi lễ, như lễ cúng bến nước của người Êđê, lễ cúng lúa mới của người M’nông...
Tại đó, du khách sẽ được trải nghiệm những sắc màu văn hóa độc đáo, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực hấp dẫn, đặc biệt là được giao lưu với người dân, buôn làng một cách tự nhiên để cảm nhận sự gần gũi, mến khách. Tiếng chiêng lúc dập dồn, khi da diết như tâm tình những câu chuyện của buôn làng, như gợi lên khung cảnh núi rừng hùng vĩ, hay nối dài vòng xoang quanh ngọn lửa thiêng, bên những ché rượu cần chuếnh choáng men say…
Cộng hưởng những thành tố trong không gian âm thanh ấy tạo nên một Đắk Lắk, một Tây Nguyên, một đại ngàn lãng mạn và huyền ảo, say đắm lòng người. Cũng bởi ý nghĩa này, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chưa bao giờ hết sự hấp dẫn với du khách, kể cả trong tỉnh, ngoài tỉnh và khách quốc tế; đó cũng là sợi dây kết nối mời bè bạn bốn phương về khám phá mảnh đất giàu tiềm năng kinh tế và văn hóa này.
Một chương trình biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách. |
Ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk thông tin, hiện nay, rất nhiều đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh khi xây dựng tour đều chọn văn hóa cồng chiêng là một điểm nhấn để thu hút du khách.
Hình ảnh du khách và người dân cùng tụ họp trong ngôi nhà dài, bên bếp lửa bập bùng, thưởng thức ẩm thực và nghe tiếng chiêng ngân lên vang vọng giữa núi rừng… là một trải nghiệm tuyệt vời. Nhất là khi trên địa bàn tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 36% và hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều có buôn đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều buôn còn giữ được cồng chiêng cùng những nghi lễ truyền thống, thì việc xây dựng tour cũng trở nên dễ dàng hơn.
Một yếu tố thuận lợi nữa là Nghị quyết bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025 vừa được HĐND tỉnh ban hành tháng 12/2021 đã đặt mục tiêu từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mai Sao