Đồng bào Hrê coi trọng môi trường sinh thái trong lễ cúng bến nước
Lễ cúng bến nước là nghi lễ truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Hrê luôn coi trọng môi trường sinh thái và ý thức bảo vệ môi trường.
Đồng bào Hrê tin rằng nguồn nước là nơi bắt đầu sự sống và có thần nước ngự trị, chẳng những là nơi giữ hồn người, mà nước còn là nguồn nuôi sống mùa màng, súc vật của bản làng. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cúng bến nước còn truyền đi thông điệp giáo dục các buôn có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai và nguồn nước, bởi từ xa xưa nguồn nước được xem là báu vật của dân tộc Hrê.
Cúng bến nước nhằm tạ ơn trời đất, các thần linh |
Nghệ nhân Phạm Thị Hết, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hàng năm đồng bào dân tộc Hrê đều tiến hành làm lễ cúng bến nước nhằm tạ ơn trời đất, các thần linh đã phù hộ dân làng sau một năm vất vả với cuộc mưu sinh. Đồng thời cầu mong cho mọi người luôn khỏe mạnh, dân làng được bình an và luôn mong cho nguồn nước dồi dào để dân làng ăn uống, sinh hoạt, mùa màng tươi tốt, súc vật lớn nhanh, bản làng trù phú. Cúng bến nước còn là để tri ân thần đã giúp người dân cày cấy, gieo hạt trên nương được no đủ, đồng thời với nghi thức này, đồng bào muốn thành kính mời thần nước về ăn Tết cùng với dân làng.
Trước khi tiến hành nghi lễ cúng bến nước, già làng, trưởng thôn thông báo họp bàn với dân làng để giao nhiệm vụ chuẩn bị mọi việc chu toàn. Thanh niên trai tráng được giao làm vệ sinh bến nước. Phụ nữ, người già dọn dẹp nhà cửa, đường làng để chuẩn bị cho nghi lễ được diễn ra trong không khí tôn kính và trang trọng nhất.
Lễ vật tại lễ cúng bến nước gồm rượu, trầu cau, gạo và một con gà trống. Chủ lễ cắt tiết gà, sau đó đưa gà cho đám thanh niên làm thịt, chỉ giữ lại mỏ, mào, móng gà tượng trưng để lên bàn cúng cùng với tiết. Lúc này bà con dân làng bỏ trầu cau lên bàn cúng để chủ lễ tiếp tục cúng, rồi đốt nhoi Clâu (một loại trầm hương lấy từ rừng già) để xua đi u ám, rủi ro, bệnh tật cho dân làng.
Các cô gái dân tộc Hrê lấy nước mang về nhà |
Sau khi kiểm tra lễ vật, chủ lễ thực hiện nghi lễ cúng bến nước với lời khấn: Cầu xin các Yàng (Yàng nước biển, Yàng nước sông, Yàng nước suối, Yàng nước mưa trên trời, Yàng nước ngầm dưới đất) phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, an vui, hạnh phúc, cho mọi người có sức khỏe, nuôi con vật bầy đàn, trồng hoa màu tươi tốt, có lúa đầy kho, có trâu bò đầy chuồng; phù hộ cho dân làng được hưởng nhiều nguồn nước từ trên trời, từ lòng đất, từ biển sâu, từ con sông, con suối tưới cây cối, ruộng đồng xanh tươi, cho con người mát mẻ; phù hộ cho dân làng biết yêu thương nhau, biết đùm bọc lẫn nhau, biết giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, ốm đau, bệnh tật... Đồng thời phải biết giữ gìn bảo vệ môi trường nguồn nước, bến nước luôn trong sạch.
Khi thực hiện xong nghi thức cúng bến nước, đồng bào dân tộc Hrê cùng nhau ăn cơm uống rượu, đánh cồng, đánh chiêng, ca hát nhảy múa mừng lễ cúng bến nước đã tổ chức thành công tốt đẹp.
Múa hát trong lễ cúng bến nước |
Lễ cúng bến nước không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng mà còn là nghi lễ đậm chất văn hóa, giàu nét đặc trưng của dân tộc Hrê. Cúng bến nước vừa mang tinh thần nhân văn, vừa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cả cộng đồng về đạo lý tôn trọng tự nhiên, giữ gìn nguồn nước để giữ gìn môi trường, thể hiện tinh thần cộng sinh hài hòa giữa con người với tự nhiên.