Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc làm việc với UBND tỉnh Nghệ An
Sáng 21/1, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An để đánh giá công tác dân tộc, chính sách dân tộc năm 2021; nhiệm vụ năm 2022.
Tiếp và làm việc với đoàn, về phía UBND tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vi Văn Sơn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.
ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC NGÀY MỘT NÂNG CAO
Báo cáo về công tác dân tộc, chính sách dân tộc năm 2021, đồng chí Vi Văn Sơn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh; dân số 1.197.628 người, chiếm 41% dân số toàn tỉnh; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020 toàn vùng có 252 xã (trong đó có 106 xã khu vực 3, 100 xã khu vực 2, 46 xã khu vực 1) với 1.339 thôn, bản (1.182 thôn bản đặc biệt khó khăn) được thụ hưởng các chính sách phát triển KT-XH và an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của cộng đồng các DTTS, vùng DTTS và miền núi có chuyển biến tích cực, kinh tế có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện; kết cấu hạ tầng được tăng cường; xây dựng nông thôn mới được quan tâm. Đến nay, toàn vùng DTTS-MN có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.
Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được tỉnh quan tâm và thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; công tác quản lý nhà nước về dân tộc được đẩy mạnh, tăng cường.
Bám sát Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và UBND các huyện tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách có liên quan đến công tác dân tộc như: chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, chính sách về y tế, truyền thông, văn hóa, chính sách tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phát triển chợ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất…
Mặc dù vùng DTTS-MN được quan tâm đầu tư nhưng kết cấu hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế; đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của tỉnh (27,71%/ 7,8% cuối năm 2021); bản sắc văn hóa một số dân tộc bị mai một. Một số tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi diễn biến khá phức tạp.
Tỉnh Nghệ An kiến nghị 5 nội dung, trong đó đề nghị Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ 2021-2025; sớm giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ 2021-2025.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn tình cảm, sự quan tâm của đoàn công tác, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đối với tỉnh Nghệ An trong thời điểm cận Tết Nguyên đán 2022.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong năm 2021, cũng như các địa phương trong cả nước, Nghệ An gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Trong khó khăn đó nhưng kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, tỉnh đã huy được hơn 126 tỷ đồng cho Chương trình Tết vì người nghèo Xuân Nhâm Dần 2022.
Khẳng định trong thời gian qua, công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, với điều kiện, đặc thù của tỉnh thì Nghệ An gặp nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu nâng cao điều kiện sống, chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc. "Trong phát triển kinh tế, yêu cầu 3 điều kiện: Hạ tầng kỹ thuật, mặt bằng, nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cả 3 yếu tố trên ở đồng bào dân tộc thiểu số rên địa bàn tỉnh đều thiếu. Vì vậy, muốn thu hút đầu tư vào đây là rất khó khăn".
Cho rằng tỉnh đang rất trông chờ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Nghệ An sẵn sàng triển khai khi được bố trí nguồn lực. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ huy động các sở, ngành, địa phương vào cùng phối hợp thực hiện để chương trình đạt được hiệu quả cao nhất. Trong sử dụng nguồn vốn sẽ lựa chọn, ưu tiên đầu tư các dự án, đề án theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đến đâu dứt điểm đến đó, để có được kết quả và hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng mong muốn Ủy ban Dân tộc tiếp tục chia sẻ, hướng dẫn những kinh nghiệm, cách làm, mô hình hay trong quá trình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Hiện tỉnh Nghệ An đang tích cực chuyển đổi số, qua đó giúp cho người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nhanh hơn các chủ trương, chính sách.
Nhân dịp Tết đến, Xuân về, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng gửi tới đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá, ghi nhận sự thay đổi rõ nét về hạ tầng, kinh tế - xã hội, đời sống người dân tỉnh Nghệ An nói chung và vùng đồng bào dân tộc nói riêng. Về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, song vẫn còn những khó khăn, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng tình với những giải pháp mà tỉnh Nghệ An nêu trong báo cáo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, công tác dân tộc, chính sách dân tộc là vấn đề khó và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không riêng gì Ban Dân tộc.
Để Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 thành công, đồng chí Hầu A Lềnh cho rằng, đầu tiên phải nâng cao công tác tuyên truyền để người dân hiểu, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự vươn lên vượt qua khó khăn. Công tác này phải có Nghị quyết của cấp ủy, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, MTTQ, sự tham gia tích cực của người dân. Khi dân tin, dân hiểu, dân làm thì dự án mới thành công.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị Nghệ An tiếp tục phát huy vai trò của người uy tín, già làng, trưởng bản trong cộng đồng và nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bởi phên dậu vững chắc nhất chính là lòng dân. Đặc biệt, phải quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh phát triển kinh tế, phải giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Bởi bản sắc văn hóa là thế mạnh, là nguồn lực phục vụ cho cả phát triển kinh tế. Đặc biệt trong dịp Tết, phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, không "ngăn sông cấm chợ", chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những hộ nghèo được đón Tết đầm ấm, đủ đầy, vui tươi.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng đã trao đổi cụ thể về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Nghệ An. Đồng thời, gửi lời chúc mừng năm mới đến cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh Nghệ An hạnh phúc, thành công và đạt được nhiều thắng lợi mới.