Đêm thơ Nguyên Tiêu: Lễ hội mới với người yêu thơ
Tối qua (5/2), Đêm thơ Nguyên Tiêu tại Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra đầy cung bậc cảm xúc, trở thành một lễ hội mới với người yêu thơ trong cả nước.
Đêm thơ Nguyên Tiêu là sự kiện chính nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam diễn ra từ 3 - 5/2, được tổ chức dưới sự chủ trì của Hội Nhà văn Việt Nam và sự phối hợp của Ban Quản lý Hoàng Thành Thăng Long.
Toàn bộ hoạt động của Ngày thơ Việt Nam được thiết kế và dàn dựng bởi ê-kíp sáng tạo gồm: Tổng đạo diễn - nhà thơ, đạo diễn Lê Quý Dương; phụ trách mỹ thuật - họa sĩ Phạm Hà Hải, họa sĩ Lê Đình Nguyên.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam. |
Sau tiếng trống Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, pháo hoa được bắn lên để chào mừng sự kiện, cho thấy sự đầu tư hoành tráng và kỹ lưỡng của Đêm thơ Nguyên Tiêu so với các năm trước đây.
Đêm thơ đã diễn ra đầy cung bậc cảm xúc với 21 tác phẩm, chia thành 4 chương lớn: "Thơ mới và thơ trong kháng chiến chống Pháp"; "Thơ trong kháng chiến chống Mỹ"; "Thơ thời kỳ đổi mới" và "Thơ trẻ". Có thể kể tới các tác phẩm như "Giá từng thước đất" (Chính Hữu), "Biển" (Xuân Diệu), "Đường chúng ta đi" (Xuân Sách), "Về Hương Sơn năm sơ tán ấy" (Bằng Việt), "Con đường" (Phan Thị Thanh Nhàn), "Không chạm tới cuộc đời" (Nguyễn Bình Phương); "Sóng trầm biển dựng" (Đoàn Văn Mật), "Tôi viết cho dân tộc tôi" (Lý Hữu Lương)…
Các nghệ sĩ trình diễn những ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ các bài thơ. |
Bên cạnh các phần đọc thơ, chương trình còn có phần trình diễn những ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ các bài thơ như "Đường chúng ta đi" (thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du); "Thơ tình cuối mùa thu" (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu); "Mơ về nơi xa lắm" (nhạc Phú Quang, thơ Thái Thăng Long), đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả…
Ở tuổi 80, nhà thơ Hữu Thỉnh xuất hiện trên sân khấu và truyền cảm hứng cho nhiều người khi đọc tác phẩm do ông sáng tác. Ông chia sẻ: "Tôi rất xúc động khi tham dự Ngày thơ lần thứ 21. Đây là minh chứng cho điều mà Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 10 đã họp bàn và quyết định.
Công chúng tham quan và mua các tác phẩm văn học, các tuyển tập thi ca cổ điển và đương đại tại Đêm thơ. |
Ngày thơ Việt Nam đã dần trở thành một lễ hội mới với người yêu thơ trong cả nước. Những gì tôi chứng kiến từ sáng tới nay cho thấy Ngày thơ Việt Nam sống động hơn, đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức thơ ca của công chúng".
Tại Đêm thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định niềm tự hào khi năm 2022, UNESCO đã vinh danh nhà thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hoá lớn của nhân loại. Trước đó, năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, UNESCO đã vinh danh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", nhân danh và cùng kỷ niệm những nhà văn hoá lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...
"Sự vinh danh đó cho thấy sứ mệnh của những nhà thơ, những nhà văn hoá lớn của Việt Nam và sự đóng góp của họ trong việc tạo ra những giá trị tinh thần nhân văn cao cả cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nêu.
Trước đó, Ngày Thơ Việt Nam đã diễn ra với nhiều hoạt động như hội sách, tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay", chiếu phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ nổi tiếng đã góp phần xây dựng nên nền thi ca Việt Nam, phát video clip tuyển chọn các ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ những bài thơ được nhiều người yêu thích, triển lãm tại Nhà ký ức thơ, đọc thơ, trò chuyện về thơ trong Quán thơ…
Dồn tâm huyết cho chương trình trong suốt những ngày qua, Tổng đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: "Chúng tôi muốn biến Ngày Thơ Việt Nam trở thành một lễ hội, đón nhận những người yêu thơ và cả những người chưa yêu thơ. Khi tới không gian của Hoàng thành Thăng Long, chúng ta đều sẽ có sự quan tâm duy nhất là thơ ca. Thơ không chỉ tồn tại thầm lặng mà phải trở thành một nguồn năng lượng mới, mang một tinh thần mới, với khát vọng mới cho xã hội tốt đẹp hơn".