Đề xuất tận thu 206 ngàn mét khối cát bồi lắng sông Thu Bồn
UBND thị xã Điện Bàn đề xuất xây dựng kè ven sông Thu Bồn trước tình trạng sạt lở kết hợp tận thu cát nạo vét chỉnh dòng chảy.
Sông Thu Bồn bị sạt lở nghiêm trọng cạnh Bến thuỷ nội địa Trương Đức Long, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn (Ảnh: V.Q) |
UBND thị xã Điện Bàn vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn (đoạn qua thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước).
Theo UBND thị xã Điện Bàn, từ năm 2022 đến nay, tình hình xói lở lòng sông đã diễn ra ngày càng phức tạp.
Lòng sông Thu Bồn biến dạng tại vị trí bờ tả xói lở và tại vị trí bờ hữu sông ngày càng bồi lắng. Hình thái dòng sông bắt đầu có những thay đổi lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản, gây tâm lý không ổn định cho Nhân dân.
Hiện nay, tình trạng sạt lở đang ảnh hưởng đến 240 hộ dân với 1.200 nhân khẩu sinh sống trong khu dân cư Bình Trị, thôn Nhị Dinh 3.
Bờ hữu sông Thu Bồn đang bị bồi lắng cát (Ảnh: V.Q) |
Đặc biệt trong những năm gần đây, trung bình hàng năm có khoảng 2 - 3 ha đất sản xuất và đất vườn ven sông dọc hai bờ Thu Bồn đã bị dòng lũ cuốn trôi. Dự báo khoảng 40 ha đất nông nghiệp của người dân địa phương đang có nguy cơ không thể sản xuất do sạt lở và bồi lấp trong thời gian tới.
UBND thị xã thống kê tình trạng sạt lở bờ sông đang đe dọa đến sự an toàn của các công trình hạ tầng như giao thông, điện. Cụ thể, dọc sông có khoảng 2km đường giao thông và 3km đường điện trung và hạ thế đã và đang chịu tác động trực tiếp từ việc xói lở bờ sông.
UBND thị xã cho rằng tình hình bồi lắng bờ hữu và xói lở bờ tả đã và đang diễn ra trên diện rộng suốt dọc chiều dài dòng sông hơn 2km với các cấp độ khác nhau.
Đây là đoạn sông tập trung nhiều khu dân cư, là đoạn sông cong với đỉnh cong xuôi thuận. Tuy nhiên, thời gian gần đây cùng với việc bồi lắng bờ hữu dòng chảy đã chuyển dịch sang bờ tả và gây sạt lở bờ sông đoạn khu dân cư thôn Nhị Dinh 3.
Bờ tả sông Thu Bồn qua xã Điện Phước bị sạt lở nghiêm trọng và kéo dài (Ảnh: V.Q) |
Trước tình trạng sạt lở kèm bồi lắng 2 bên bờ sông, UBND thị xã đề xuất giải pháp nạo vét chỉnh dòng chảy đoạn bãi bồi bờ hữu; xây dựng công trình kè bảo vệ bờ tả; khuyến khích trồng cây dọc 2 bờ sông nhằm ổn định đường bờ, giảm vận tốc dòng chảy tác động vào khu dân cư.
Về giải pháp công trình, UBND thị xã đề xuất nạo vét dòng chảy bờ hữu 10,78 ha với tổng khối lượng nạo vét khoảng 206 ngàn mét khối cát tại bờ hữu đang bị bồi lắng.
Về phần kè bảo vệ, đơn vị liên quan sẽ làm kè mái bê tông cốt thép trong khung dầm có chiều dài 1.184m với kết cấu chân kè, thân kè và đỉnh kè.
UBND thị xã cho biết phương án xây dựng kè kết hợp nạo vét chỉnh dòng chảy dự kiến kinh phí khoảng 29,8 tỷ đồng; còn xây dựng kè, không nạo vét chỉnh dòng dự kiến khoảng 20 tỷ đồng. Riêng việc nạo vét tận thu vật liệu xây dựng thông thường dự kiến khoảng 15,6 tỷ đồng. Cụ thể, dự kiến tận thu khoảng 206 ngàn m3 cát với giá bán 150 ngàn đồng/m3. Tổng số tiền thu 30,9 tỷ đồng trừ chi phí cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên và chi phí khai thác khoảng 14,3 tỷ đồng. |