A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để Hà Nội là "nhạc trưởng" về công nghiệp văn hóa...

Là nơi gặp gỡ Đông - Tây, có bề dày ngàn năm văn hiến cùng sự hội nhập mạnh mẽ nhưng vẫn chú trọng giữ gìn bản sắc, là nơi có nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ cùng đội ngũ sáng tạo cao, cùng với những cơ chế, chính sách hiệu quả, Hà Nội sẽ phát huy tất cả các lợi thế, tiềm năng của mình để xứng danh với vai trò "nhạc trưởng" của công nghiệp văn hóa trong cả nước.

Những điều kiện vượt bậc

Không phải ngẫu nhiên là Hà Nội được chọn là 1 trong 3 thành phố để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa của cả nước.

Hà Nội dẫn đầu cả nước với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia, 1 di sản văn hóa thế giới; 70 không gian sáng tạo, 42 bảo tàng, 54 thư viện, 18 nhà hát và 43 rạp chiếu phim, 40 gallery.

Bên cạnh đó, Hà Nội có nguồn lực con người to lớn và vô cùng quý giá, trên 51,7% dân số trẻ, tập trung 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa...

Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa

Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa

Hà Nội cũng là Thủ đô duy nhất trên thế giới hội tụ 1.350 làng nghề truyền thống cung cấp nguồn sinh kế của khoảng một triệu người.

Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học - công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 Thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ…

Việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016.

Tháng 2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành CNVH của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao.

Để Hà Nội là

Để trở thành 1 trong 3 trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu “Thành phố Sáng tạo”, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện với 6 quan điểm.

Đó là: Phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô; đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại.

Tiếp tục gặt hái những thành công

Để thực sự phát huy vai trò "nhạc trưởng", không chỉ là Thủ đô về chính trị văn hóa mà còn là nơi dẫn đầu về CNVH, Hà Nội đang tích cực triển khai tất cả những lợi thế của từng địa phương.

Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Những sản vật mang tính truyền thống tại các vùng được ưu tiên phát triển, những lợi thế của từng quận, huyện được đặt vấn đề phải phát huy triệt để nhằm thu hút sự quan tâm của khách trong và ngoài nước.

Các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đa phần nhấn mạnh vào việc có các cơ chế đặc thù, tập trung phát huy lợi thế để công nghiệp văn hóa trở thành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Bên cạnh đó, rất nhiều các ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, giáo dục cũng mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) mang đến những ưu thế vượt bậc trong quản lí và phát huy giá trị của di tích, di sản; tập trung giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chăm lo đội ngũ văn nghệ sĩ để thúc đẩy sự sáng tạo, khát khao cống hiến cho Hà Nội...

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm qua, rất nhiều dự án nghệ thuật, các không gian sáng tạo của Hà Nội đã trở thành niềm tự hào, đóng góp rất nhiều vào ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam như không gian nghệ thuật Phúc Tân, phố bích họa Phùng Hưng, Complex 01 hay không gian nghệ thuật 22 Hàng Buồm...

Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Đặc biệt, trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 vừa qua, tháp nước Hàng Đậu đã "bừng tỉnh" khi được đánh thức, trở thành một "điểm hẹn" check-in và khám phá vô cùng thu hút du khách trong và ngoài nước.

Trong khi đó, một điều tuyệt vời là nhà máy xe lửa Gia Lâm đã được thổi hồn, trở thành điểm diễn ra đêm khai mạc, bế mạc lễ hội, cùng hàng loạt sự kiện âm nhạc, thời trang, nghệ thuật độc đáo, các hội thảo, workshop, hội chợ, vui chơi, trưng bày về lịch sử nhà ga.

Sau 12 ngày tổ chức (từ ngày 17/11 - 28/11), lễ hội thu hút 230.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong đó, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đón khoảng 200.000 lượt khách tham quan; Tháp nước Hàng Đậu (Bốt Hàng Đậu) thu hút 30.000 lượt khách. Điều đó cho thấy những hoạt động này đã mang lại hiệu quả thực chất.

Tour đêm Hoàng thành Thăng Long

Tour đêm Hoàng thành Thăng Long

Tiếp nối những tour đêm Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm Hoàn thành Thăng Long, tour đêm Văn Miếu cũng thu hút được đông đảo du khách cho thấy tiềm năng của Hà Nội ngày càng được khai thác một cách tích cực và hiệu quả.

Vào ngày 24/12 tới, Hội nghị toàn quốc về các ngành công nghiệp văn hóa lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sẽ là một cơ hội tốt để Hà Nội trình bày về những thành tích mà mình đã đạt được.

Bên cạnh đó, cùng với sự tham dự của các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa, đây cũng là cơ hội để chúng ta lắng nghe những tham góp nhằm tích lũy thêm những kinh nghiệm cho mình trong thời gian tới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết