A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để các cơ quan báo chí phát triển

Báo chí là sản phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin của bạn đọc, mà hơn hết còn phục vụ các nhiệm vụ chính trị. Trong bối cảnh đa số các cơ quan báo chí chuyển sang mô hình cơ quan sự nghiệp công lập, hoạt động tự chủ thì chính sách thuế lại càng phải ưu đãi.

Kể từ ngày Bộ Tài chính ban hành Thông tư 19 (3/4/2023) bãi bỏ Thông tư 150/2010 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí (có hiệu lực từ ngày 18/5/2023) đến nay được hơn 3 tháng, tuy nhiên theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đã nảy sinh một số bất cập, làm khó khăn trong công tác tài chính đối với hoạt động báo chí.

Giáo dục giá trị cho giới trẻ trên báo chí hiện nay | Tạp chí Tuyên giáo

Ảnh minh họa.

Đơn cử, do tình hình kinh tế khó khăn, lại phải cạnh tranh “khốc liệt” với các nền tảng mạng xã hội, nên doanh số từ quảng cáo, hoạt động truyền thông của hầu hết các cơ quan báo chí đều giảm. Doanh số quảng cáo giảm, hiển nhiên sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động (cán bộ, phóng viên), chất lượng vì thế cũng không được cải thiện. Khó khăn là thế, nhưng việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 19 bãi bỏ Thông tư 150/2010 dường như khiến cơ quan báo chí càng thêm khó khăn.

Nếu như Thông tư 150 trước đây cho phép trường hợp bán báo và quảng cáo không đủ bù đắp chi phí, được tính chung phần thu từ các hoạt động khác như thu tài chính, các chương trình hội thảo, sự kiện. Ngoài ra, còn cho phép cơ quan báo chí được tính "chi phí tiền lương vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp". Chính nhờ quy định này, mà cơ quan báo mới đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho cán bộ, phóng viên làm việc. Song từ khi Thông tư số 150 bị bãi bỏ đến nay đã hơn 3 tháng, các cơ quan báo chí vẫn lăn tăn chưa biết phải thực hiện theo quy định nào.

Điều mà một số cơ quan báo chí cần hiện nay là Bộ Tài chính khi đã bãi bỏ Thông tư 150 thì phải sớm ban hành thông tư hướng dẫn khác. Đặc biệt, Thông tư hướng dẫn mới phải có tính đặc thù trên cơ sở tạo điều kiện tối đa cho các cơ quan báo chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị. Cán bộ, phóng viên ở đa số các cơ quan báo chí đều là viên chức, người lao động, làm việc không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, hưởng thu nhập từ quỹ lương của cơ quan do các hoạt động báo chí mà có.

Tất nhiên, hoạt động báo chí khác doanh nghiệp, dù có cơ quan chủ quản nào đi chăng nữa, báo chí vẫn phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền cái tốt, dẹp bỏ cái xấu, tham gia đấu tranh với những luận điệu sai trái của thế lực để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Do đó, nếu không có cơ chế tài chính đặc thù, các cơ quan báo chí sẽ rất khó phát triển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...