Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại: Không có "vùng cấm"

Từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo ngành dọc lực lượng QLTT đã khẳng định được tính hiệu quả; khắc phục được điểm yếu từ trước đó là chia cắt theo địa bàn

Từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo ngành dọc, lực lượng quản lý thị trường đã khẳng định được tính hiệu quả; khắc phục được điểm yếu lớn nhất từ trước đây đó là sự chia cắt theo địa bàn. Không chỉ vậy, sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ Tổng cục đến các địa phương đã tạo thuận lợi trong việc phối hợp hành động trong đấu tranhchống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đánh dấu bước đột phá

Số liệu của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, 10 tháng năm 2022, các cơ quan chức năng phát hiện trên 100.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó số vụ buôn lậu hàng cấm chiếm khoảng gần 15.000 vụ, thu nộp ngân sách gần 8.000 tỷ đồng... Riêng với lực lượng quản lý thị trường, trong 11 tháng năm 2022, toàn lực lượng đã xử lý trên dưới 30.000 vụ việc vi phạm.

Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại: Không có

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh làm việc với Đội 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La

Nhìn lại công tác kiểm soát thị trường hàng hóa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2022, đặc biệt qua những "trận đánh" lớn, "truy quét", "xóa sổ" nhiều tụ điểm kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... cho thấy quyết tâm triệt phá các tụ điểm kinh doanh hàng giả, hàng nhái của lực lượng quản lý thị trường, lưu dấu ấn trong năm 2022.

Điển hình, vụ đồng loạt kiểm tra 3 tổng kho, cửa hàng kinh doanh hàng giả, hàng lậu rộng 2.000m2 ở Hàm Yên, Tuyên Quang; vụ triệt phá cơ sở kinh doanh có 4 kho hàng chứa nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu tại Sầm Sơn, Thanh Hóa; vụ bắt giữ lô hàng mỹ phẩm nhập lậu và thuốc trị giá gần 20 tỷ đồng tại TP. Hồ Chí Minh... Hay việc thu giữ hàng vạn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Trung tâm thương mại Saigon Square, TP.Hồ Chí Minh vừa qua cho thấy sự quyết liệt, không khoan nhượng với vấn nạn hàng giả, hàng nhái của toàn lực lượng.

Đáng nói, đây chỉ là một vài điểm kinh doanh trong hàng trăm địa điểm kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian vừa qua. Từ những vụ việc này đã góp phần thể hiện rõ hiệu lực, hiệu quả sau khi lực lượng quản lý thị trường hoạt động theo mô hình ngành dọc, dần xóa bỏ những hạn chế của phân cách địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên cả nước.

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Trước bối cảnh hội nhập mới, bên cạnh những mặt tích cực cũng nảy sinh nhiều mặt trái của thị trường đòi hỏi phải có phương thức mới trong tiếp cận, đấu tranh và xử lý. Nắm bắt thực tế này, Tổng cục Quản lý thị trường đã chủ động đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, coi đó là công cụ đi đầu tạo bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, từ 1/2/2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã áp dụng Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS) - coi đó là công cụ đi đầu tạo ra bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại: Không có

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại Trung tâm thương mại Saigon Square

Có thể nhận thấy, INS đã xuất hiện và không thể vắng bóng trong những cuộc truy quét hàng giả, hàng nhái của các cán bộ lực lượng quản lý thị trường tại các cuộc kiểm tra. Đơn cử, tại cuộc kiểm tra tại Trung tâm thương mại Saigon Square vừa qua, không khó để bắt gặp những cán bộ quản lý thị trường cặm cụi, chăm chú thống kê từng sản phẩm đã được kiểm đếm.

Việc ứng dụng phần mềm quản lý việc kiểm tra, kiểm soát đã tạo sự đồng bộ, giúp thống nhất liên thông quản lý, điều hành, xử lý, lưu trữ hồ sơ trong toàn lực lượng, phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; rút ngắn thời gian tổng hợp, đánh giá hiệu quả, từ đó tránh được thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, đây cũng là bước tiến quan trọng, góp phần cải cách hành chính, bắt buộc cá nhân, đơn vị phải hoàn thành nghĩa vụ thiết lập hồ sơ vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo đúng trình tự, quy trình nghiệp vụ.

Từ thực tế triển khai, Hệ thống INS đã góp phần hiện thực hóa cho minh chứng "nhìn thẳng, nói thật, làm thật" của Tổng cục Quản lý thị trường trong thực hiện tiên phong chuyển đổi số ở lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính của bộ máy công quyền hiện nay.

Về thực trạng xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - chia sẻ, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm, góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác Quản lý thị trường Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thương mại điện tử, ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu công nghiệp, hàng hóa không đảm bảo chất lượng được triển khai từng bước trên các địa bàn đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường với các đơn vị trong Bộ Công Thương, giữa lực lượng quản lý thị trường với các lực lượng chức năng khác trên các địa bàn được duy trì, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt trong tình hình các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm.

Tiếp tục lành mạnh hóa thị trường

Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cấp ủy và chính quyền địa phương. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh nổi cộm trên thị trường.

Đứng trước những yêu cầu mới, lực lượng quản lý thị trường luôn tự nhìn nhận và đặt bản thân trong bối cảnh mới của thị trường. Không chỉ gói mình trong nhiệm vụ quản lý thị trường trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng, còn có nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập, hợp tác quốc tế.

Tết Nguyên đán 2023 đang tới gần, xác định đây là thời gian cao điểm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại vận chuyển hàng vào thị trường, trong tháng 11/2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.

Cùng với những kế hoạch cao điểm, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh trên thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 về Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021- 2025 (Quyết định số 888). Đây là một kế hoạch dài hơi, với mục tiêu cụ thể cho từng năm, như mục tiêu tuyên truyền, ký cam kết đối với tất cả các cơ sở kinh doanh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết