Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu báo chí cần thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí; xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp…
Ngày 13/4, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội, công tác thi đua khen thưởng năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 trong toàn thể các cấp Hội. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2022 và quý I năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động: Hội báo Toàn quốc, Hội báo Xuân ở các địa phương; Giải báo chí quốc gia, các giải báo chí ở ban, Bộ, ngành và các địa phương; các giải thể thao; tổ chức ba hội nghị tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ báo chí và tọa đàm về bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng; nhiều hoạt động về nguồn và giáo dục truyền thống; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ…
Hội cũng tích cực làm công tác bảo vệ các nhà báo, hội viên khi xảy ra những trường hợp đe dọa, hành hung, cản trở hoạt động của nhà báo; đồng thời cũng tích cực xử lý nghiêm hàng chục trường hợp nhà báo vi phạm pháp luật hoặc đạo đức báo chí.
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác năm 2023
Trong thời gian tới, Hội tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: hướng dẫn các cấp hội triển khai Điều lệ Hội khóa XI; tổ chức giải Báo chí Quốc gia; xây dựng đề án thành lập Viện Nghiên cứu báo chí và truyền thông; lập các đoàn đi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành và sở, ban, ngành địa phương để tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng, hiệu quả của Hội Nhà báo các địa phương; tôn vinh xứng đáng đối với các nhà báo liệt sĩ qua các thời kỳ...
Qua báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, trong năm 2022, Hội Nhà báo đã bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo; áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng xu thế toàn cầu; chủ động thâm nhập thực tế, đưa tin các sự kiện, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm... Công tác truyền thông chính sách được triển khai chủ động, hiệu quả. Đặc biệt triển khai tuyên truyền, định hướng, truyền tải nguyện vọng của nhân dân đến với các cơ quan xây dựng chính sách.
Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai là ví dụ rất rõ về sự hiệu quả của các cơ quan truyền thông trong xây dựng chính sách, tạo đồng thuận của dư luận xã hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn chứng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị
Trong năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Hội Nhà báo Việt Nam bám sát thực tiễn vào sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước để có nhiều tác phẩm báo chí sinh động, có tính chiến đấu, giá trị nhân văn sâu sắc, chạm đến cảm xúc của công chúng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu báo chí cần thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động báo chí; xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp; đầu tư nhiều hình thức truyền tải đa dạng, phong phú để trở thành món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu của độc giả, không chỉ người dân mà cả các nhà quản lý.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu mỗi người làm báo phải luôn không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật thông tin năng động, sáng tạo, bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng công nghệ mới; luôn ý thức được trách nhiệm của mình với tư cách là sứ giả cho sức mạnh mềm của Việt Nam…
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành cần phải gắn bó hơn nữa với các cơ quan báo chí, chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí hoạt động đúng chuyên môn, nghiệp vụ; chủ động phản ánh những khó khăn, vướng mắc để cơ quan quản lý phản ứng chính sách kịp thời, nhanh và nhạy.
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị “đào thải”, cần phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số, hợp tác với các cơ quan truyền thông khác để tạo chỗ đứng, vị thế trong làng báo chí công nghệ.
Trước bối cảnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo càng cần có sự đổi mới trong hoạt động công tác Hội và các hoạt động cốt lõi khác, để thực sự song hành, đoàn kết và phát triển cùng nền báo chí hiện đại.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tổng kết, đánh giá lại hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023; biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam; nâng cao nhận thức, năng lực của các cấp hội trong quản lý, chỉ đạo báo chí và hoạt động hội; hướng dẫn các cấp hội triển khai công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023; trưng bày chuyên đề 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam…
Hội nghị cũng quán triệt yêu cầu của thực tiễn đối với đổi mới công tác báo chí, chia sẻ các định hướng, chiến lược phát triển, đặc biệt là về chuyển đổi số trong hoạt động báo chí; thống nhất chương trình hành động hướng đến kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).