A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chú trọng công tác quy hoạch cán bộ

Quy hoạch cán bộ là một nội dung quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 50 về công tác quy hoạch cán bộ trong hệ thống chính trị.

Theo Quy định 50 của Bộ Chính trị, cán bộ được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác hai nhiệm kỳ trở lên, ít nhất phải trọn một nhiệm kỳ kế tiếp đó. Quy định này đưa ra 5 nguyên tắc, trong đó nêu rõ phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch cán bộ.
 
Việc quy hoạch phải coi trọng chất lượng, bảo đảm cân đối, hài hòa, hợp lý, liên thông giữa các khâu, giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, giữa đánh giá với điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, giữa cán bộ quy hoạch với cán bộ đương nhiệm; giữa nguồn cán bộ ở trung ương với địa phương, địa bàn và lĩnh vực công tác; giữa nguồn cán bộ tại chỗ với nguồn cán bộ từ nơi khác.
 
Cùng với đó, Quy định 50 nêu rõ, quy hoạch phải phấn đấu đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp ủy các cấp theo hướng cán bộ trẻ (dưới 45 tuổi đối với trung ương; dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 15% trở lên, cán bộ nữ từ 25% trở lên; tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực. Đối với cấp huyện và tương đương trở lên phải có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý.
 
Mục tiêu của Quy định 50 là tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ; chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân.
 
Quy định 50 của Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS). Tỉnh ủy cũng đã ban hành Đề án 08 về việc tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đây là một trong những đề án quan trọng của Tỉnh ủy khóa XX cụ thể hóa nhiệm vụ đột phá về “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
 
 Phấn đấu đến nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2030 - 2035, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy các cấp và các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bằng và có chỉ tiêu cao hơn quy định của trung ương. Trong đó, có tỷ lệ cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh từ 15% trở lên; có tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi trong Ban Chấp hành đạt tỷ lệ từ 10% trở lên và có tỷ lệ cán bộ người DTTS trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tối thiểu từ 5 đồng chí trở lên. Đối với cấp huyện, có tỷ lệ cán bộ nữ từ 17% trở lên trong cấp ủy cấp huyện; cán bộ trẻ dưới 40 tuổi từ 15% trở lên trong cấp ủy cấp huyện; các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, Sơn Tây, Trà Bồng có cán bộ người DTTS giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt tỷ lệ tối thiểu từ 35% trở lên...
 
Trong những năm qua, trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về công tác phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS. Theo đó, tỉnh ta đã cụ thể hóa, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, chất lượng về cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS trong tình hình mới.
 
Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nhìn nhận còn những hạn chế nhất định trong công tác quy hoạch cán bộ, nhất là công tác quy hoạch, tạo nguồn, bố trí cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS giữ chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý vẫn còn thấp; còn hẫng hụt cán bộ nữ, cán bộ người DTTS ở một số ban, ngành, lĩnh vực cần được quan tâm, bố trí. Đề án 08 của Tỉnh ủy được kỳ vọng sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ số lượng, bảo đảm chất lượng và cơ cấu phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị; đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ lãnh đạo trong hệ thống chính trị và khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết