Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp cuối năm
Dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng hàng hóa tại Hà Nội ngày càng phong phú. Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái được nhập về các cửa hàng bày bán công khai.
Hàng lậu, hàng giả vẫn còn nhiều đất sống
Trong tháng 10/2023, Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm,... Qua đó, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.
Thống kê cho thấy, tổng số vụ thanh tra, kiểm tra là 3.232 vụ, trong đó, hàng cấm, hàng lậu 295 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 97 vụ, gian lận thương mại 2.633 vụ; xử lý 3.025 vụ; khởi tố 17 vụ, với 21 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 450,739 tỉ đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu (Ảnh minh họa). |
Riêng Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, gia cầm đặc biệt là lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới vào Việt Nam; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh xăng dầu; kiểm soát, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng xe điện...
Kết quả, trong tháng 10/2023, lực lượng này đã xử lý 424 vụ, phạt hành chính là 6 tỉ 253 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm là 4 tỉ 7 triệu đồng.
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cũng là lúc buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại gia tăng. Thành phố Hà Nội là địa bàn trọng điểm, đầu mối giao thông liên vùng, quốc gia và quốc tế nên nạn buôn lậu lại càng “nóng”.
Đáng nói, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, nhiều thủ đoạn lẩn tránh cơ quan chức năng. Đặc biệt, khi môi trường internet phát triển, thương mại điện tử, mạng xã hội trở nên phổ biến, buôn lậu, kinh doanh hàng giả có thêm “đất” để lộng hành. Thậm chí, các đối tượng tổ chức thành đường dây, ổ nhóm, lập nhiều tài khoản ảo trên mạng xã hội, rao bán công khai hàng lậu, hàng giả. Cơ quan chức năng rất khó truy dấu vết, triệt phá khi đối tượng liên tục thay đổi tài khoản, địa điểm.
Cần chung tay của người tiêu dùng
Có thể thấy rằng, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả có lợi nhuận cao, vì thế các đối tượng bất chấp quy định, cố tình vi phạm. Lực lượng chức năng luôn xác định đấu tranh, chống buôn lậu, hàng giả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hàng nghìn vụ vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, truy tố hình sự, song buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả khó xử lý triệt để cũng bởi lý do trên.
Tuy nhiên nói đấu tranh, chống buôn lậu, hàng giả là việc khó không có nghĩa là nản chí, bỏ mặc, mà càng phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần được tiến hành quyết liệt, bài bản hơn.
Buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả có lợi nhuận cao, vì thế các đối tượng bất chấp quy định, cố tình vi phạm |
Trong dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng chức năng đã xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát, điều tra, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả có tổ chức. Việc kiểm tra sẽ có trọng tâm, trọng điểm, theo chuyên đề (ví dụ nhu cầu rượu, bia, đồ uống, bánh kẹo dịp Tết tăng cao thì buôn lậu, hàng giả nhóm sản phẩm này cũng tăng theo), xác định địa bàn “nóng” như đầu mối giao thông, tuyến quốc lộ, chợ đầu mối, kho tập kết hàng hóa, tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng có nhu cầu lớn dịp cuối năm…
Đặc biệt, các lực lượng chuyên trách cần tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, điều tra. Thực tế cho thấy, khi có sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng, công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả phát huy hiệu quả rất tích cực. Nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu đã bị triệt phá dưới sự phối hợp đấu tranh của các lực lượng chức năng.
Để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, chỉ lực lượng chức năng không đủ, mà cần có sự chung tay của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi hàng hóa của mình bị làm giả, làm nhái. Ngoài ra, đây còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng và xã hội. Doanh nghiệp có thể phân biệt hàng thật - hàng giả khi sản phẩm của mình bị xâm hại.
Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái trên thị trường; chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để đấu tranh, triệt phá cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Cuối cùng, để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả hiệu quả, người tiêu dùng cần góp sức bằng cách “nói không” với hàng giả, hàng lậu; phản ánh với cơ quan chức năng đối tượng, cơ sở có dấu hiệu kinh doanh hàng lậu, hàng giả, nhất là trên môi trường internet, giúp cơ quan chức năng điều tra, xử lý kịp thời.
Sự chung tay của người tiêu dùng cũng rất quan trọng, như “tai, mắt” của cơ quan chức năng, đồng thời cũng mang tính quyết định, bởi nếu bị người tiêu dùng tẩy chay, hàng lậu, hàng giả sẽ không còn “đất sống”.