Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với “bẫy” lừa đảo xuất khẩu lao động qua mạng

Lợi dụng nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của người dân ngày càng gia tăng, các loại tội phạm đã "tung" nhiều thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản của người lao động. Để tránh bị lừa đảo, người dân tuyệt đối không tin vào các thông tin mời chào, hứa hẹn hỗ trợ làm làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài trên các website, trang Facebook, Zalo không chính thống.

Thủ đoạn tinh vi

Lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng đi làm việc ở nước ngoài và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lao động, thời gian gần đây một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã sử dụng mạng xã hội để lừa đảo người dân.

Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện tượng lừa đảo xuất khẩu lao động đang có dấu hiệu gia tăng.

Các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng đã sử dụng các website, như www.nhatban24h.vn; www.xuatkhaulaodong-24h.com… để tìm kiếm người lao động có nhu cầu.

Các website được xây dựng chuyên nghiệp, đăng tải nhiều thông tin đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại các thị trường, như Nhật Bản, Đài Loan ,Hàn Quốc, Singapore, Romania, Ba Lan, Australia, New Zealand, Philippines, Cộng hòa LB Đức, Hy Lạp… để lừa đảo người lao động.

Cảnh giác với “bẫy” lừa đảo xuất khẩu lao động qua mạng

Một nạn nhân tới cơ quan chức năng trình báo sự việc

Các doanh nghiệp không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài này còn sử dụng trang thông tin cá nhân (Facebook, Zalo) có đăng tải nhiều thông tin hoạt động trong lĩnh vực này, như hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay, quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, hình ảnh chụp với visa của nước tiếp nhận đã được cấp, nhằm tạo uy tín với người dân.

Đặc biệt, thông tin về đơn hàng tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, địa điểm người lao động đến làm việc, thông tin về giấy phép, hoặc website sử dụng để đăng tải thông tin lừa đảo thường gần giống với website chính thức mà doanh nghiệp đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Ví dụ halsucohanoi.vn là website mà doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đăng ký chính thức với Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhưng có những website đăng thông tin giả mạo có địa chỉ gần giống, như: halsuco.com.vn, halsuco.vn...

Tiếp đó, chúng lại đưa ra các chương trình ưu đãi với chi phí thấp, thậm chí chỉ bằng một nửa so với các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, yêu cầu người lao động phải đặt cọc chi phí trong thời gian ngắn.

Các đối tượng lừa đảo còn tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội về xuất khẩu lao động để tìm kiếm các “con mồi” có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, đánh vào tâm lý, nhu cầu của người lao động muốn làm các thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không cần tốn nhiều thời gian, để tiến hành câu nhử, tiếp cận các “con mồi”.

Chúng còn sử dụng nhiều tài khoản ảo để tạo tương tác, nhắn tin cho người lao động để củng cố niềm tin về chất lượng dịch vụ hỗ trợ; thậm chí còn “gạ” cho người lao động mượn tiền để làm thủ tục. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt của những người nhẹ dạ, cả tin số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch

Trước thực trạng đáng báo động về tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cảnh báo: Với tâm lý “ham rẻ”, nhiều người lao động đã chuyển tiền để được ưu đãi để các đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tiền.

Khi người lao động chuyển tiền, các đối tượng cung cấp bản chụp phiếu biên nhận, bản hợp đồng có đóng dấu của công ty để người lao động tiếp tục đóng các khoản phí khác. Sau khi nhận đủ tiền các đối tượng sẽ tìm cách chặn tài khoản, số điện thoại người lao động.

Cảnh giác với “bẫy” lừa đảo xuất khẩu lao động qua mạng

Lực lượng chức năng đọc lệnh khám xét nơi ở và làm việc của đối tượng lừa đảo đi xuất khẩu lao động

“Đa số nạn nhân của lừa đảo xuất khẩu lao động đều ở xa, hoặc qua giới thiệu nên tin tưởng không đến làm việc trực tiếp, mà chỉ liên hệ, trao đổi thông qua mạng xã hội và số điện thoại. Khi đến thời hạn mà không được xuất cảnh, người lao động liên hệ thì các tài khoản và số điện thoại này đều khóa hoặc chặn liên lạc. Do đó, người dân phải xác minh tìm hiểu thật kỹ về các công ty có tuyển dụng người đi lao động nước ngoài, có thể xác minh thông tin tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, đặc biệt không đóng tiền qua các trung gian”, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Gia Liêm, trên trang web của Cục cũng đã có đưa thông tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo lao động đi nước ngoài. Trong Luật người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, định hướng, quy định đơn vị đủ điều kiện đưa người đi lao động nước ngoài thì phải có các trang web để đưa công khai các thông tin về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để người lao động có thể biết được.

Hiện tại, người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động có thể tra cứu thông tin về doanh nghiệp có giấy phép hoặc những công ty vi phạm tại trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ www.dolab.gov.vn. Việc tra cứu rất đơn giản, vì thế, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến quyền và lợi ích của mình, đừng để "sập bẫy" lừa xuất khẩu lao động trên mạng.

Khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần đăng ký tại các địa chỉ uy tín thông qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện, Trung tâm dịch vụ việc làm; nếu qua doanh nghiệp dịch vụ thì phải được cấp giấy phép của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết