Cảnh báo về chủng cúm độc lực cao tái xuất ở nước láng giềng
Tổ chức Y tế thế giới vừa thông tin về 2 trường hợp được xác định nhiễm cúm A/H5N1 tại Campuchia. Đây là chủng cúm độc lực cao lây từ động vật sang người.
Hiện chủng cúm độc lực cao này đã tái xuất ở Campuchia và có 1 bệnh nhân đã tử vong.
Chủng cúm A/H5N1 xuất hiện đầu tiên vào năm 2003 |
Hai ca mắc cúm độc lực cao A/H5N1 đều được phát hiện tại một ngôi làng ở tỉnh Kampot (Campuchia). Đáng tiếc, một bệnh nhân nữ dù đến viện điều trị nhưng đã tử vong khi đang nằm viện. Hiện còn một bé gái 5 tuổi bị sốt, ho, phát ban đang được điều trị tại bệnh viện.
Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, cả hai người đều tiếp xúc với những con chim ở sân sau, được báo cáo là bị bệnh và một số đã chết trong tháng trước.
Cúm A/H5N1 được đánh giá là chủng cúm động lực cao, có thể gây bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao. Số liệu thống kê chưa đầy đủ, cúm A/ H5N1 đã giết chết gần 60% người mắc kể từ trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Đến nay, mặc dù y tế dự phòng và bệnh truyền nhiễm phát triển nhưng cúm gia cầm A/H5N1 vẫn đang tiếp tục lây lan, gây biến chứng và tử vong cho người và động vật.
H5N1 là một phân nhóm virus cúm A (Influenza A virus) thường xuất hiện ở chim và gia cầm. Giống như tất cả các loại virus cúm khác, virus A/H5N1 lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác, lây sang cho người và gây tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp đã có cảnh báo: H5N1 có thể gây ra nhiều hơn một đại dịch cúm khi mầm bệnh vẫn đang tiếp tục gia tăng ở các khu vực lưu hành cao. Tháng 6/2008, đã có 11 ổ dịch H5N1 được báo cáo tại 5 quốc gia (Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Pakistan, Việt Nam) đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng và thiệt hại nặng nề đến nền kinh tế.
Các nghiên cứu dịch tễ cũng cho thấy, những ca nhiễm cúm A/H5N1 ở Campuchia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam xảy ra đồng thời với dịch H5N1 lớn ở gia cầm. Hầu hết các ca này gây ra do tiếp xúc với gia cầm, chim bị nhiễm cúm hoặc bề mặt có chứa dịch tiết từ gia cầm.
Virus A/ H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, có thể gây diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao người. Do vậy, khi có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp cần đến bệnh viện xét nghiệm khẳng định bị mắc virus cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Tại Việt Nam, ca mắc cúm gia cầm H5N1 xuất hiện đầu tiên vào năm 2003. Biến chủng virus cúm này đã biến đổi thành một chủng có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao. Nguy hiểm nhất của bệnh cúm gà này là khi lây sang người có thể gây viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng. Chúng được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, bên cạnh bại liệt, dịch hạch, đậu mùa, sốt vàng, bệnh tả, Ebola, Marburg, Lassa...