Cảnh báo trẻ bị sốc sốt xuất huyết do nhập viện muộn
Mặc dù đã vào giữa tháng 12, giai đoạn được dự đoán là đã qua đợt cao điểm của sốt xuất huyết (SXH), song khác với mọi năm, thời điểm hiện tại các trường hợp trẻ mắc SXH nhập viện trong tình trạng nặng, sốc vẫn tiếp tục gia tăng, nhiều trẻ gặp các biến chứng nặng do không được điều trị kịp thời.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tính đến ngày 12/12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 10.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 9.830 trường hợp mắc SXH Dengue và SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, 156 trường hợp mắc SXH Dengue nặng và đã có 10 trường hợp tử vong vì SXH. Trong 10 trường hợp tử vong, có 2 trường hợp là trẻ em.
Từ đầu năm đến nay, khoa Hồi sức cấp cứu nhi – nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) đã tiếp nhận điều trị cho gần 300 bệnh nhi mắc SXH nhập viện trong tình trạng nặng. Và đến thời điểm hiện nay, số bệnh nhi nhập viện điều trị vì sốc SXH vẫn tiếp tục được ghi nhận, trong đó có những trẻ đang nguy hiểm đến tính mạng. Điển hình như trường hợp con của chị Phạm Thị Thanh Thúy (trú huyện Cư Kuin) bị SXH trong tình trạng nặng. Cách đây 2 năm, con chị Thúy từng bị SXH và lần đó cháu bị nhẹ, gia đình cho cháu đến phòng khám tư lấy thuốc uống vài ngày là khỏe. Lần này thấy con bị SXH, gia đình chị chủ quan vì nghĩ cháu cũng chỉ nhẹ như lần trước nên chị cũng cho con nằm điều trị tại phòng khám tư. Điều trị tới ngày thứ hai, phòng khám thông báo tình trạng của cháu có thể cho xuất viện vào hôm sau; tuy nhiên ngay tối đó bỗng nhiên cháu chuyển nặng rất nhanh, mạch không đo được, phải chuyển viện lên tuyến trên. Khi đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các chỉ số và mạch của cháu gần như không còn. Rất may sau 5 giờ tích cực cấp cứu, các bác sĩ đã cứu được cháu. Bây giờ mặc dù đã qua cơn nguy hiểm nhưng tình trạng của cháu vẫn còn nặng, cần theo dõi chặt chẽ các chỉ số.
Bệnh nhân bị sốt xuất huyết sốc nặng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Theo bác sĩ H’El Êban, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi – nhi sơ sinh, thông thường thì sau tháng 10 các ca bệnh SXH sẽ giảm xuống. Thế nhưng năm nay đã đến nửa tháng 12 vẫn ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi sốc SXH nhập viện, trong đó lứa tuổi mắc bệnh nặng thường từ 8 đến 15 tuổi. Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều người dân chủ quan trong công tác phòng, chống bệnh SXH cũng như chưa điều trị đúng khi trẻ mắc SXH, tự ý điều trị tại nhà hoặc các phòng khám tư nhân và các trường hợp mắc SXH nặng đa số do nhập viện trễ, đặc biệt có không ít trường hợp nặng bị tổn thương đa cơ quan như gan, thận và phải thở máy, lọc máu.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh SXH thường có các triệu chứng đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như tay chân miệng, sốt rét, sốt siêu vi, sốt phát ban... và trẻ đã từng mắc SXH rồi vẫn có khả năng mắc thêm các lần sau. Vậy nên phụ huynh không được chủ quan khi trẻ có dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, chân tay lạnh, xuất huyết bất thường... Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc, truyền dịch điều trị cho trẻ tại nhà mà cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời. Đặc điểm nhận biết bệnh SXH là sốt cao liên tục 2 - 7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì)… Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ tư đến thứ sáu với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt). Vì vậy, các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục từ 3 ngày trở lên phải đến khám tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh để quá muộn sẽ diễn tiến nặng và tổn thương các cơ quan.