Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo gia tăng ca mắc và bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển nặng

Thời gian qua, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng, đồng thời nhiều ca bệnh SXH nặng, diễn biến phức tạp với biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.

Gia tăng ca mắc

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.230 trường hợp mắc SXH. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 300 bệnh nhân mắc SXH, trong đó có khoảng 50 bệnh nhân SXH nặng, hơn 130 bệnh nhân mắc SXH cảnh báo. Điển hình như trường hợp nam bệnh nhân 50 tuổi (trú huyện Cư Kuin) bị sốt 5 ngày, nhập viện xét nghiệm dương tính với SXH Dengue. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan nặng, xuất huyết tiêu hóa, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc. Một bệnh nhân khác là chị H.M.C. (35 tuổi, trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) sau khi xuất hiện triệu chứng sốt, vì chủ quan nghĩ bị cảm thông thường nên tự mua thuốc uống. Khi bệnh chuyển nặng, chị C. được người nhà đưa vào nhập viện trong tình trạng chảy máu chân răng không cầm được, tiểu cầu giảm. Nhờ được điều trị tích cực, đến nay sức khỏe của các bệnh nhân đã dần ổn định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm hỏi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có bốn tuýp là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Khi bị SXH, người bệnh thường bắt đầu hạ sốt từ ngày thứ ba, dẫn tới tâm lý chủ quan. Thực tế khi mắc SXH, từ ngày thứ ba đến ngày thứ bảy là những ngày nguy hiểm nhất. Vì thế, người dân cần phải chú ý các biểu hiện trong những ngày này vì dễ dẫn đến tình trạng sốc do thoát huyết tương. Biểu hiện dễ nhận biết nhất là bệnh nhân nôn ói nhiều, đau bụng vùng gan, tiểu ít, có các biểu hiện thần kinh như bứt rứt, khó chịu, mệt mỏi…

Tại Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị vì mắc SXH cũng liên tục tăng. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp cho biết, từ đầu năm đến nay khoa đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 130 trẻ mắc SXH, trong đó có không ít trường hợp mắc SXH cảnh báo và bị sốc SXH. “Bên cạnh những trường hợp bệnh nhi nặng do nhập viện trễ thì có nhiều trường hợp bệnh nhi mắc SXH ở thể nặng, khi nhập viện đã ở tình trạng sốc, nôn ra máu, thoát huyết tương… gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Do đó, người dân không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời”- bác sĩ Minh khuyến cáo.

Nâng cao ý thức phòng bệnh

Mặc dù số lượng bệnh nhi mắc SXH nặng điều trị tại Khoa Hồi sức – Cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2023, song theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức – Cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 40 bệnh nhi mắc SXH nặng. Hầu hết các bệnh nhi mắc SXH bị sốc và tái sốc, do đó, khi nhập vào khoa, các bệnh nhi ở tình trạng nặng và rất nặng. “Nhiều dịch bệnh đang có xu hướng diễn biến ngày một phức tạp như sởi, bạch hầu, SXH… Vì vậy, người dân cần chú ý phòng bệnh cho trẻ, nhất là đối với những trẻ suy dinh dưỡng, trẻ có bệnh lý nền, trẻ béo phì… vì các đối tượng này rất dễ trở nặng khi mắc SXH”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh SXH tại TP. Buôn Ma Thuột.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống SXH. UBND tỉnh nêu rõ, tình hình dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp. Qua điều tra ghi nhận ý thức chủ động trong công tác phòng chống dịch của người dân chưa cao, vẫn còn phát hiện nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) tại nhiều gia đình và khu dân cư.

Hiện, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Thêm vào đó, năm 2025 được dự báo là năm chu kỳ đỉnh SXH. Do đó, để chủ động phòng, chống dịch SXH, xử lý triệt để các ca bệnh, ổ dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát và lây lan, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường giám sát chỉ đạo tuyến, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch SXH. Tăng cường giám sát, đánh giá nguy cơ diễn biến tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn. Triển khai phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các địa bàn trọng điểm, nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch trong thời gian tới. Đồng thời, hỗ trợ các đơn vị xử lý dịch diện rộng, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh kéo dài tại địa phương…

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 56 ổ dịch SXH tại 33/148 xã, phường, thị trấn của 11/15 huyện, thị xã, thành phố; số ca mắc ghi nhận chủ yếu tại TP. Buôn Ma Thuột,huyện Cư M’gar, huyện Krông Pắc…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết